Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển đất nước

Ngày 11-3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội (QH) tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9 cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu tham dự phiên họp.

Ngày 11-3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội (QH) tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9 cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu tham dự phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá đây là hội nghị quan trọng để Ủy ban Pháp luật QH tham gia ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhiều ý kiến đánh giá dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã kế thừa những giá trị khoa học về nội dung và kỹ thuật lập hiến của các bản hiến pháp trước, kế thừa thành tựu, kinh nghiệm xây dựng hiến pháp của các nước trên thế giới. Dự thảo sửa đổi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và định hướng phát triển đất nước hiện nay cũng như lâu dài, giải quyết được cơ bản những vấn đề vướng mắc, bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Nội dung dự thảo thể hiện sự phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt đã thể hiện rõ quan điểm tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tuy nhiên có ý kiến đánh giá dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn dài, cần cô đọng, ngắn gọn hơn, song phải khái quát được đầy đủ các nội dung cơ bản của Hiến pháp. Dự thảo còn có những quy định chưa rõ ràng, đầy đủ; một số nội dung còn chồng chéo; một số điều trong dự thảo diễn đạt chưa đảm bảo tính chất của đạo luật cơ bản; vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan chưa được quy định rõ; cách hành văn cần trong sáng, dễ hiểu hơn; chưa thống nhất trong sử dụng các cụm từ như “theo quy định của pháp luật”; “theo luật định”; “do luật định” chưa chính xác trong cách dùng từ “công dân”, “mọi người” ở một số điều…

Bàn về lời nói đầu, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng dự thảo Hiến pháp đã đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của nhân dân, cũng như thể hiện được đường lối đối nội, đối ngoại và định hướng phát triển của đất nước ta trong thời kỳ mới. Tuy nhiên theo đại biểu, cần nghiên cứu viết gọn lại theo hướng chỉ rõ các mốc quan trọng của quá trình lập hiến, vai trò, nhiệm vụ của Hiến pháp, nguyên tắc và mục đích bao trùm của Hiến pháp lần này, đồng thời phải có tính khái quát cao, nêu bật được truyền thống yêu nước của dân tộc.

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II) quy định nội dung “mọi người có quyền sống” là quy định mới, tiến bộ. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, viết như dự thảo chưa đảm bảo được nội dung cần thiết về quyền được sống của con người. Đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung rõ hơn theo hướng nghiên cứu ghép Điều 21 và Điều 35 thành “Mọi người có quyền được sống, được đảm bảo an sinh xã hội”.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) nhận xét các điều 15, 16, 18, 19 và 20 trong dự thảo Hiến pháp là những quy định chung, trong khi đó Điều 17 quy định về quyền cụ thể của con người (quyền bình đẳng trước pháp luật). Vì vậy, đại biểu đề nghị chuyển nội dung Điều 17 xuống sau Điều 21 quy định về mọi người có quyền sống.

Bàn về Điều 120 (về Hội đồng Hiến pháp) đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, Hội đồng Hiến pháp chỉ có thẩm quyền đề nghị, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ban hành xem xét lại, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp, mới chỉ là cơ chế giám sát, phản biện, chưa phải là cơ chế phán quyết.

Theo đại biểu, quy định này không khác nhiều với chức năng của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH. Trên cơ sở phân tích, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về chế định này; xem xét việc giao cho Hội đồng Hiến pháp thẩm quyền tạm đình chỉ hay đình chỉ thi hành văn bản có nội dung vi phạm Hiến pháp chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, nếu quy định như khoản 2 Điều 120 thì Hội đồng Hiến pháp chưa thực sự có quyền lực để thực thi nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp. Đại biểu đề xuất phải giao đầy đủ quyền lực để Hội đồng Hiến pháp phán quyết độc lập đối với những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung vi phạm Hiến pháp…

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật QH đã thảo luận các nội dung cụ thể về chế độ chính trị; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp…

TTXVN

Ngày 11-3, Trường Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Các đại biểu cho rằng việc ghi nhận Điều 4 vào Hiến pháp là cần thiết và phù hợp với thực tiễn lịch sử. Nhà giáo ưu tú Hồ Thanh Khôi, nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng cho rằng, phạm vi hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật được mở rộng đầy đủ hơn, không chỉ có tổ chức Đảng mà kể cả mọi đảng viên. Đảng luôn tự nguyện tự giác đặt mọi hoạt động của mình vào khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, thông qua cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng để điều chỉnh các vấn đề trong nội bộ Đảng cũng như điều chỉnh các mối quan hệ của Đảng với Nhà nước, đoàn thể và xã hội.

H.Hiệp

Tin cùng chuyên mục