Diễn biến khó lường sau khủng hoảng Ai Cập

Đến ngày 14-2, quân đội Ai Cập đã kiểm soát quảng trường Tahrir, trung tâm thủ đô Cairo, tụ điểm chính của người biểu tình trong 18 ngày qua. Giao thông tại thủ đô đã được thông suốt. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình nhỏ vẫn xảy ra tại một số nơi như trước cửa đài truyền hình nhà nước, bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ...
Diễn biến khó lường sau khủng hoảng Ai Cập

Đến ngày 14-2, quân đội Ai Cập đã kiểm soát quảng trường Tahrir, trung tâm thủ đô Cairo, tụ điểm chính của người biểu tình trong 18 ngày qua. Giao thông tại thủ đô đã được thông suốt. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình nhỏ vẫn xảy ra tại một số nơi như trước cửa đài truyền hình nhà nước, bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ...

  • Diễn biến tại Ai Cập

Theo hãng thông tấn quốc gia Ai Cập (MENA), các ngân hàng vẫn phải đóng cửa do các cuộc đình công. Hội đồng Quân sự tối cao đã thành lập một ủy ban độc lập chịu trách nhiệm soạn thảo sửa đổi Hiến pháp trong vòng 10 ngày tới, đồng thời cam kết tổ chức trưng cầu dân ý cho những sửa đổi trong vòng hai tháng.

Bên cạnh đó, quân đội kêu gọi thanh niên xúc tiến thành lập các đảng phái chính trị - điều từng rất khó làm dưới thời ông Mubarak - đồng thời cam kết sẽ thường xuyên gặp gỡ đối thoại với tầng lớp thanh niên.

Bất chấp cuộc biểu tình, giao thông tại quảng trường Tahrir đang được tái lập.

Bất chấp cuộc biểu tình, giao thông tại quảng trường Tahrir đang được tái lập.

Liên quan đến ông Mubarak, tờ “Egypt Today” cho biết ông đã rơi vào tình trạng hôn mê ngày 12-2 và hiện đang được chăm sóc y tế, song chưa có quyết định về việc có đưa vị cựu Tổng thống 82 tuổi này đến bệnh viện hay không. Tuy nhiên, nơi ở hiện nay của ông Mubarak vẫn là điều bí mật. Hiện không rõ ông Mubarak bị quân đội quản thúc hay được quân đội che giấu, bảo vệ.

Cùng ngày, người đứng đầu khu vực đồng tiền chung châu Âu, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker cho biết 17 nước châu Âu ủng hộ lời kêu gọi phong tỏa tài sản của ông Mubarak tại các nước này, tuy nhiên chưa hành động vì còn chờ chính phủ Ai Cập đệ đơn yêu cầu.

Hồi đầu tháng này, các chính phủ châu Âu cũng đã phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống Tunisia Ben Ali.

  • Biến động khó lường trong thế giới Arập

Ngày 14-2, Bộ trưởng Tài chính Samir Radwan dự báo tăng trưởng kinh tế Ai Cập chỉ đạt 3,5% - 4% trong tài khóa 2010-2011, thấp hơn nhiều so với dự báo trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng là 6%.

Ngày 14-2, giá dầu xuống còn 88,98 USD/thùng, mức gần như thấp nhất trong 10 tuần qua, xoa dịu nỗi lo về việc lượng cung từ Trung Đông bị gián đoạn. Hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới cũng hồi sinh sau khi ông Mubarak từ chức.

Tuy nhiên, theo mạng phân tích thông tin kinh tế (EIU) của “The Economist” (Anh), cuộc khủng hoảng ở Ai Cập cho đến nay chưa tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của nước này nên ảnh hưởng toàn cầu không đáng kể. Vấn đề quan trọng hơn là điều gì sẽ xảy ra nếu bất ổn chính trị lan rộng ra các quốc gia Arập khác, vốn chiếm một tỷ lệ lớn trong sản lượng dầu toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng ở Ai Cập không chỉ tác động tới chính trường trong nước mà có thể tạo ra những thay đổi khó lường trong thế giới Arập. Điều dễ nhận thấy là các quốc gia Arập có nhiều điểm chung về điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội. Sự mất cân bằng về cơ cấu kinh tế do thiếu những nguồn tài nguyên thiết yếu như nước, năng lượng và đất canh tác cùng với sự bùng nổ dân số khiến cho vấn đề thất nghiệp của lực lượng thanh niên chiếm số đông trong xã hội càng trở nên nghiêm trọng.

Ngoài ra, những biến động trên chính trường Ai Cập có nguy cơ đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào ngõ cụt. Cairo vốn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình Israel- Palestine nên những gì diễn ra tại Ai Cập sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình này. Việc ông Mubarak từ chức chắc chắn sẽ “khai tử” tiến trình hòa bình vốn đã bị đình trệ lâu nay vì Ai Cập “có thể đưa ra lập trường mới với Israel”.

Cuộc khủng hoảng ở Ai Cập chưa đến hồi kết và chưa thể khẳng định điều gì sẽ diễn ra tại các quốc gia Arập khác. 

HẠNH CHI

- Thông tin liên quan:

>> Cựu Tổng thống Mubarak bị hôn mê

>> Quân đội Ai Cập “Bế quan tỏa cảng” hàng loạt quan chức

>> Sau cuộc khủng hoảng ở Ai Cập - Những phản ứng dây chuyền

Tin cùng chuyên mục