Chính phủ Thái Lan mất kiên nhẫn với phe biểu tình

Ngày 17-1, phát biểu trong một cuộc họp báo, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul tuyên bố đã đến lúc giành lại quyền kiểm soát thủ đô Bangkok, dấu hiệu cho thấy chính phủ nước này có lẽ đang mất dần kiên nhẫn với chiến dịch “đóng cửa Bangkok” của phe đối lập.
Chính phủ Thái Lan mất kiên nhẫn với phe biểu tình

Ngày 17-1, phát biểu trong một cuộc họp báo, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul tuyên bố đã đến lúc giành lại quyền kiểm soát thủ đô Bangkok, dấu hiệu cho thấy chính phủ nước này có lẽ đang mất dần kiên nhẫn với chiến dịch “đóng cửa Bangkok” của phe đối lập.

        Liên tiếp các vụ nổ lựu đạn

Trả lời khi được hỏi liệu chính phủ có chủ trương chấm dứt tình trạng người biểu tình phong tỏa các bộ ngành và một số giao lộ trọng yếu ở thủ đô hay không, ông Tovichakchaikul khẳng định: “Điều đó sẽ sớm xảy ra. Đã đến lúc chúng tôi phải bắt đầu làm gì đó”. Tuyên bố của Ngoại trưởng Tovichakchaikul được đưa ra trong bối cảnh một đoàn quan chức, được cảnh sát và quân đội hộ tống, lên đường tới một văn phòng của chính phủ phụ trách cấp hộ chiếu để thuyết phục người biểu tình ở đó giải tán, tạo điều kiện cho cơ quan này có thể hoạt động trở lại. Biểu tình kéo dài khiến việc cấp 16.000 hộ chiếu mới của Bộ Ngoại giao Thái Lan bị ngưng trệ.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thái Lan được đưa ra trong bối cảnh cuộc biểu tình của phe đối lập tiếp tục có bạo lực bởi vụ đánh bom xảy ra cùng ngày làm ít nhất 38 người bị thương. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy nhiều người nằm la liệt trên đường trong lúc xe cấp cứu đang hối hả chở người bị thương rời hiện trường.

Thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban yêu cầu giới chức an ninh Thái Lan phải sớm công bố kết quả điều tra vụ nổ bom nhằm vào người biểu tình. Trong cuộc lục soát một tòa nhà gần khu vực nổ bom ngay sau đó, cảnh sát Bangkok phát hiện vật gây nổ và hai chiếc nón gắn huy hiệu cảnh sát tại một căn phòng tình nghi của thủ phạm gây ra vụ việc.

Người biểu tình bị thương tại Bangkok.

Người biểu tình bị thương tại Bangkok.

Trong khi đó, một quả lựu đạn đã được ném vào cung điện Suan Pakkad nổi tiếng ở thủ đô Bangkok, nơi ở của Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra, làm hư hỏng một chiếc ô tô. Cũng theo cảnh sát Thái Lan, quả lựu đạn ném vào nhà Thị trưởng Bangkok cùng loại với quả lựu đạn ném vào nhà lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva vào tối 14-1. Một vụ nổ khác cũng đã xảy ra tại nhà một lãnh đạo của phe biểu tình, Issara Somchai. Tư lệnh lục quân Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha bày tỏ lo ngại có một nhóm vũ trang đứng sau những vụ tấn công liên tiếp trong vài ngày gần đây, nhằm mục đích khoét sâu thêm khủng hoảng trên chính trường Thái Lan.

Theo Bangkok Post, trước những diễn biến phức tạp tại Thái Lan, Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan Nipat Thonglek đã ký lệnh cấm binh sĩ mặc quân phục tham gia biểu tình. Sắc lệnh này được đưa ra sau khi có một vài binh sĩ bị bắt vì mang theo súng đạn và có liên quan tới biểu tình. Ba binh sĩ hải quân Thái Lan đã bị bắt khi trong người mang súng và có các thẻ đảm bảo an ninh cho người biểu tình. Để tránh lặp lại tình trạng này, ông Pipat nói rằng lệnh trên yêu cầu tất cả các quân nhân phải giữ thái độ trung lập và tránh phát ngôn liên quan tới tình hình chính trị.

        Quyết bắt thủ lĩnh biểu tình

Cùng ngày, Chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia Thái Lan Adul Saengsingkaew đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để thực hiện việc bắt giữ thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban. Quyết định thành lập nhóm này được đưa ra sau một cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng ông Surapong Tovichakchaikul, cũng là người đứng đầu Trung tâm thực thi hòa bình và trật tự chủ trì. Ông Suthep hiện được khoảng 40 người bảo vệ. Tuy nhiên, Tư lệnh cảnh sát Adul nói rằng ông sẽ có báo cáo về việc bắt giữ thủ lĩnh biểu tình trong một cuộc gặp kín không có sự tham gia của truyền thông.

Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày phong trào biểu tình phải chi khoảng 10 triệu baht (hơn 300.000 USD) để duy trì 8 điểm cắm chốt biểu tình trong chiến dịch “đóng cửa Bangkok”.

Phát biểu tại diễn đàn cải cách do Chính phủ Thái Lan tổ chức có sự tham gia của 28 hiệp hội doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố chính phủ sẽ không tham gia soạn thảo lộ trình cải cách đất nước mà chỉ đóng vai trò trung gian. Chính phủ Thái Lan vẫn rộng mở tiếp nhận các ý kiến cải cách và các bên tham gia, kể cả phong trào biểu tình chống chính phủ của ông Suthep Thaugsuban. Trong hơn 3 giờ thảo luận, một số ý kiến tại diễn đàn đề nghị Thủ tướng tạm quyền Yingluck nên hoãn cuộc bầu cử vào ngày 2-2 tới. Trong khi đó, ông Teerapat Serirangsan, Chủ tịch Hội đồng phát triển chính trị, lên tiếng đề nghị bà Yingluck nên từ chức.

THANH HẰNG (tổng hợp)

- Thái Lan: Không hoãn bầu cử

Tin cùng chuyên mục