Quân đội Thái Lan áp dụng thiết quân luật

Ngày 20-5, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Niwattumrong Boonsongpaisan đã hối thúc quân đội nước này hành động trong khuôn khổ hiến pháp. Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên của ông Boonsongpaisan sau khi quân đội ban bố thiết quân luật trên phạm vi cả nước nhằm lập lại trật tự sau nhiều tháng xảy ra biểu tình và đụng độ gây thương vong.

Ngày 20-5, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Niwattumrong Boonsongpaisan đã hối thúc quân đội nước này hành động trong khuôn khổ hiến pháp. Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên của ông Boonsongpaisan sau khi quân đội ban bố thiết quân luật trên phạm vi cả nước nhằm lập lại trật tự sau nhiều tháng xảy ra biểu tình và đụng độ gây thương vong.

        Thủ tướng hối thúc quân đội hành động trong khuôn khổ hiến pháp

Tuyên bố của Thủ tướng tạm quyền Thái Lan nhấn mạnh: “Bất cứ hành động nào cũng cần đi theo con đường hòa bình, không bạo lực, không phân biệt đối xử và đảm bảo công bằng dựa trên pháp quyền”. Ông cho biết cũng đã đề nghị Ủy ban bầu cử tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 3-8, đồng thời khẳng định sẽ thảo luận với Tư lệnh Lục quân “càng sớm càng tốt” để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, quân đội Thái Lan đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật mà không tiến hành tham vấn chính phủ. Theo luật pháp Thái Lan, các tư lệnh lực lượng vũ trang có quyền đơn phương thiết lập tình trạng thiết quân luật trước những bất ổn bạo lực hoặc sự xâm lược của nước ngoài. Giới chức quân đội khẳng định đây “không phải là một cuộc đảo chính” mà chỉ là hành động nhằm khôi phục trật tự trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tình trạng bạo lực chính trị leo thang. Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết tình trạng thiết quân luật sẽ được duy trì đến khi hòa bình và trật tự được lập lại. Ông khẳng định quân đội sẽ có biện pháp bảo vệ dân thường, đồng thời hối thúc các phe phái chính trị đàm phán tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng.

Khủng hoảng Thái Lan rơi vào bế tắc sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện hồi tháng 12 năm ngoái. Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm hồi đầu tháng này khi một tòa án Thái Lan cách chức bà Yingluck cùng 9 thành viên nội các vì cáo buộc lạm quyền. Trong nhiều tháng qua, phong trào biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu đã gây ra nhiều xáo trộn trong xã hội khi họ liên tục tìm cách lật đổ chính phủ hiện nay. Bạo lực và xung đột đã khiến 27 người chết và hàng trăm người bị thương. Việc ông Suthep phát động trận chiến cuối cùng nhằm loại bỏ hoàn toàn chính phủ cùng với việc Thượng viện nhất trí thúc đẩy tiến trình bổ nhiệm một thủ tướng mới đã đẩy tình hình lên tới đỉnh điểm của sự căng thẳng bởi lực lượng áo đỏ ủng hộ chính phủ cũng đã tập hợp đủ lực lượng để sẵn sàng hành động.

        Dư luận thế giới quan ngại

Theo tướng Prayuth Chan-ocha, việc áp dụng tình trạng thiết quân luật là cần thiết nhằm tránh đổ máu thêm nữa. Nhưng ông này không nói việc áp dụng sẽ kéo dài trong bao lâu. Chưa rõ liệu hành động này có dẫn tới việc thay đổi chính phủ bằng việc chỉ định một thủ tướng và một nội các mới hay không. Chiều 20-5, Chính phủ Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp nhằm đưa ra những kế hoạch đối phó với việc áp dụng tình trạng thiết quân luật.

Ngay sau khi quân đội Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật trên phạm vi cả nước, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho rằng động thái này chỉ là tạm thời và không làm xói mòn nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, Mỹ rất quan ngại trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Thái Lan, đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng các nguyện vọng của người dân. Bà Psaki cho biết Washington hiểu rằng việc quân đội Hoàng gia Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật không phải là hành vi đảo chính. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng diễn biến này cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử theo nguyện vọng của người dân, đồng thời hối thúc các bên phối hợp giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại.

Cùng ngày, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tại Thái Lan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để xảy ra bạo lực nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Indonesia cũng đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại trước những diễn biến tại Thái Lan hiện nay. Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa cho biết Indonesia kiên định lập trường rằng Thái Lan phải tôn trọng lộ trình hiến pháp và các nguyên tắc dân chủ nhằm thúc đẩy hòa giải và đoàn kết dân tộc, phản ánh nguyện vọng của người dân Thái Lan. Indonesia cũng kỳ vọng những diễn biến mới nhất tại Thái Lan sẽ không đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ và an ninh trật tự sẽ sớm được khôi phục.

Với việc áp dụng thiết quân luật, người dân Thái Lan sẽ bị hạn chế đi lại và bị cấm tụ tập. Ngoài ra, quân đội Thái Lan có quyền lục soát, áp đặt lệnh giới nghiêm và giam giữ những kẻ tình nghi tới 7 ngày. Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha cũng yêu cầu kiểm soát hệ thống truyền thông Thái Lan, cấm mọi phương tiện truyền thống đăng tải bất cứ tin tức hay hình ảnh nào gây phương hại tới an ninh quốc gia. Ngay sau khi tình trạng thiết quân luật được ban bố, binh sĩ đã được triển khai và kiểm soát các đài truyền hình lớn, các nhà máy điện, nước và các tụ điểm thường xuyên diễn ra các cuộc tuần hành của người biểu tình ở thủ đô và một số vùng lân cận. Tại Bangkok, quân đội đã bao vây cuộc biểu tình của phong trào áo đỏ ủng hộ chính phủ, thuyết phục các thành viên phong trào này chấm dứt hoạt động tụ tập và tuần hành trên các đường phố ở thủ đô.

HẠNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục