Chủ động kiểm tra nơi có nguy cơ cháy nổ cao

Chỉ trong hai ngày liên tiếp, đã xảy ra 2 vụ cháy kho xưởng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 
Hiện trường một vụ cháy nhà xưởng tại huyện Bình Chánh, TPHCM hôm 14-2-2019
Hiện trường một vụ cháy nhà xưởng tại huyện Bình Chánh, TPHCM hôm 14-2-2019

Cụ thể, sáng sớm 11-4, xảy ra cháy kho đông lạnh chứa hàng thực phẩm của Công ty Pan Pacific Logistics, trong Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Tuy vụ cháy không gây thương vong về người, nhưng đã thiêu rụi gần như toàn bộ diện tích nhà xưởng lên đến 19.500m2. Sau đó chưa đầy 20 giờ, lúc nửa đêm 12-4, tại Hà Nội xảy ra vụ cháy nhà xưởng tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), làm chết 8 người và thiêu rụi 4 khu nhà xưởng liền kề nhau.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07 - Công an TPHCM), cho biết đã có nhiều vụ cháy với mức ảnh hưởng lớn xảy ra trên địa bàn thành phố trong quý 1-2019, như vụ cháy lớn tại Công ty TNHH Visual Merchandising (quận Thủ Đức), gây thiệt hại hoàn toàn 1.200m2 diện tích nhà xưởng cùng một số tài sản; vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tại Công ty CP TM DVSX XNK Tầm Nhìn (huyện Củ Chi) làm 350m2 nhà cùng máy móc, thiết bị hư hại, ước tính thành tiền khoảng 5 tỷ đồng; vụ cháy lớn tại Công ty XNK Quốc tế Hoàng Long (cũng tại huyện Củ Chi), gây thiệt hại khoảng 1.500m2 diện tích nhà xưởng; vụ cháy tại kho chứa hàng của Công ty TNHH PATIHA Việt Nam (quận 12) gây thiệt hại khoảng 320m2 diện tích kho chứa…

Trước đó, khi tình hình diễn biến phức tạp về cháy nổ liên quan đến kho xưởng, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, ngày 25-3, Công an TPHCM đã ban hành văn bản số 758/CATP-PC07 về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn thành phố.

Theo đó, cần thực hiện các biện pháp, giải pháp đồng bộ như tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác PCCC, bám sát nội dung chỉ đạo từ các văn bản của HĐND TPHCM, UBND TPHCM.

Qua đó, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; đẩy mạnh công tác PCCC tại khu dân cư và nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM. Khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo công tác PCCC các cấp, đảm bảo chỉ đạo công tác PCCC kịp thời, hiệu quả.

Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân khu phố; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân PCCC và CNCH.

Củng cố và thường xuyên duy trì hoạt động của lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ; đảm bảo phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, CNCH tại chỗ đủ khả năng xử lý tình huống cháy nổ từ khi mới phát sinh.

Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, đảm bảo lực lượng này đủ về số lượng và được trang bị phương tiện, trang phục, thiết bị chữa cháy và CNCH theo quy định; thường xuyên tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH; tăng cường công tác ứng trực để kịp thời xử lý khi có cháy nổ xảy ra.

Đặc biệt, công an các quận huyện phải chủ động nắm tình hình, tổ chức kiểm tra chuyên đề, chuyên sâu đối với những địa bàn, khu vực, cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như: điện, xăng dầu, nhà cao tầng, khu dân cư, cơ sở kho tàng, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hóa chất, nhà ở kết hợp kinh doanh; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định của pháp luật về PCCC; tích cực trong công tác kiểm tra, hướng dẫn địa phương, cơ sở, đơn vị trên địa bàn phụ trách triển khai các biện pháp phòng chống cháy lan tại những điểm có bãi cỏ, bãi rác.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, chủ động thực hiện các biện pháp phát dọn cỏ dại quanh nhà ở, đơn vị, cơ sở phòng ngừa, chống cháy lan.

Đối với các địa phương có rừng như quận 9 và 4 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ phải chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra công tác PCCC rừng, cỏ thực vật và cây phân tán; tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng theo quy định.

Tại văn bản trên của Công an TPHCM cũng đề nghị UBND các quận huyện chỉ đạo UBND phường xã, công an địa phương tăng cường tổ chức bảo vệ các trụ nước chữa cháy trong phạm vi địa bàn; kiểm tra, rà soát các bến, bãi, các bể nước PCCC và có phương án khai thác sử dụng, phục vụ hiệu quả công tác PCCC nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, cơ sở tổ chức tự kiểm tra, xử lý, khắc phục những thiếu sót trong công tác PCCC; chủ động bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả các sự cố cháy nổ khi mới phát sinh.

Tin cùng chuyên mục