Chủ động phòng ngừa cháy nổ khi kết hợp nhà ở với sản xuất kinh doanh

Trong báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến chuyên đề phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ trong tình hình mới do Bộ Công an tổ chức mới đây cho thấy: từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước xảy ra 985 vụ cháy, làm chết 42 người, bị thương 48 người, về tài sản làm thiệt hại khoảng 133 tỷ đồng; xảy ra 3 vụ nổ, làm chết 3 người, bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản khoảng 200 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là các vụ cháy nhà dân, khu dân cư: xảy ra 386 vụ cháy làm chết 29 người, bị thương 34 người, về tài sản làm thiệt hại khoảng hơn 21 tỷ đồng.

Ngọn lửa bao trùm ngôi nhà hai tầng là trụ sở của Công ty TNHH Việt Foam và văn phòng Công ty TNHH Hoàng Anh, quận 9 khiến 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương

Ám ảnh từ những vụ cháy thương tâm

Trong khoảng thời gian cuối năm 2016 và trong những tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, tập trung vào đối tượng nhà ở hộ gia đình và các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Điển hình có thể kể đến như: vụ cháy ngôi nhà hai tầng là trụ sở của Công ty TNHH Việt Foam và văn phòng Công ty TNHH Hoàng Anh ở đường Hồ Bá Phấn, phường Phước Long A, quận 9 ngày 28-11-2016 khiến 2 người chết và 1 người bị thương; vụ cháy ngày 16-12-2016 tại nhà số 453/6, đường Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3 khiến 6 người tử vong, 2 người bị thương. Gần đây nhất là vụ cháy nhà dân tại 1686, đường Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân ngày 12-3-2017 khiến 4 người tử vong...

Những vụ việc nói trên khiến người dân rất hoang mang nhưng cũng lần nữa báo động thực tế an toàn PCCC tại các nhóm cơ sở không thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC: nhà dân, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Tại các đô thị lớn như TPHCM thì nhà ở riêng lẻ phổ biến nhất là dạng nhà ống, bố trí liền kề, cấp phép xây dựng mục đích chính là nhà ở đơn lẻ, chỉ có 1 lối thoát nạn duy nhất. Một số không ít các khu dân cư cũ hoặc tự phát, không được quy hoạch tổng thể, đường giao thông không đảm bảo cho việc tiếp cận, triển khai chửa cháy, cứu nạn cứu hộ. Ngoài ra trên địa bàn TP hiện có rất nhiều cơ sở là nhà ở gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ dưới nhiều hình thức từ hộ kinh doanh cá thể cho đến doanh nghiệp, công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đa dạng các ngành nghề, mặt hàng. Trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy, như: vải vóc, vàng mã, đồ gỗ, hóa chất... Các cơ sở này có diện tích nhỏ từ 20m2 đến 100m2, thường tận dụng tối đa mặt bằng tầng trệt và khu vực mặt tiền phía trước làm nơi sản xuất, kinh doanh, còn phần diện tích còn lại phục vụ hoạt động ăn ở, ngủ nghỉ, sinh hoạt gia đình...

Tại những nơi này cũng rất dễ bắt gặp những vi phạm về đảm bảo an toàn PCCC. Để đảm bảo an ninh, tránh bị mất cắp tài sản, các cơ sở này thường bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố, khi có cháy, nổ xảy ra người bên trong không thể thoát nạn nhanh chóng, đồng thời còn gây khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng bên ngoài. Do đó khi xảy ra cháy nổ thì thường kèm theo các hậu quả rất thương tâm.

Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là hoạt động tuyên truyền rất cần thiết để giúp người dân nắm biết quy trình tổ chức cứu chữa một đám cháy

Tuân thủ nghiêm quy định PCCC để phòng ngừa và tự cứu mình trước

Theo Cảnh sát PCCC TP, trong công tác PCCC&CNCH thì ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa, tự mình bảo vệ mình, tự mình cứu lấy mình trước tiên với phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ” luôn là yếu tố hàng đầu, then chốt nhất. Do đó, giải pháp an toàn PCCC dành cho nhóm đối tượng nhà dân kết hợp sản xuất, kinh doanh trước tiên phải nhắc đến trách nhiệm của chủ cơ sở, chủ hộ gia đình. Mà trong đó tuân thủ nghiêm các quy định PCCC chính là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để phòng ngừa cũng như “tự cứu mình” trước khi sự cố xảy ra. Đồng thời cần thường xuyên duy trì công tác tự kiểm tra dụng cụ, phương tiện PCCC&CNCH đã được trang bị tại chỗ, chủ động tham gia các lớp huấn luyện về PCCC để có đủ kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ bước đầu.

Sắp xếp hàng hóa dễ cháy tràn ngập lối thoát nạn độc đạo là hình ảnh phổ biến tại các hộ dân kết hợp sản xuất kinh doanh

Tuy rằng, nhà dân kết hợp sản xuất, kinh doanh là nhóm cơ sở không thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC nhưng Cảnh sát PCCC TP cũng rất chú trọng và thường xuyên có các giải pháp tăng cường PCCC đến nhóm này. Chủ động đề xuất các biện pháp, giải pháp cụ thể trong công tác PCCC khu dân cư, đặc biệt là đối với các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, các khu phố chợ buôn bán, tập kết nhiều mặt hàng dễ cháy. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, các cơ quan báo đài tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về PCCC bằng hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm đưa những kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH đến mọi tầng lớp nhân dân. Thường xuyên tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ phòng chống cháy, nổ cho đội ngũ này đảm bảo xử lý kịp thời, có hiệu quả sự cố cháy, nổ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản...

Bích Hạnh

Tin cùng chuyên mục