Chuẩn bị cho hành trình chông gai

Các quyết sách của Chính phủ về hỗ trợ thanh niên, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đã có, nhưng người khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ nên đi như thế nào, phát triển từng bước ra sao, lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Một bạn trẻ (trái) giới thiệu thương hiệu sản phẩm bánh chưng đến khách hàng tại sự kiện về thương mại điện tử ngày 13-12 ở TPHCM
Một bạn trẻ (trái) giới thiệu thương hiệu sản phẩm bánh chưng đến khách hàng tại sự kiện về thương mại điện tử ngày 13-12 ở TPHCM

Trăn trở này được chính các chuyên gia kinh tế, các DN đặt ra nhằm bàn cách hỗ trợ, tìm hướng đi cho những “doanh nhân trẻ tiềm ẩn”. 

Khởi nghiệp như đi dưới hầm tối

Nhiều lãnh đạo của các DN tên tuổi đều cho rằng, việc khởi nghiệp giống như đi dưới hầm tối, đầy vất vả, nguy hiểm. Hiện nay ngoài những DN đã thực sự tạo được chỗ đứng trên thị trường nhờ có kinh nghiệm và quyết tâm thì cũng có những bạn trẻ lao vào khởi nghiệp vì sự liều lĩnh, bồng bột của tuổi trẻ. Cũng có người khởi nghiệp theo phong trào mà chưa có kế hoạch, định hướng cụ thể cho bản thân. Các nhận định trên đây được ông Nguyễn Văn Ngà, Giám đốc phát triển kinh doanh TrueDreams.vn, chia sẻ với phóng viên Báo SGGP. “Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp nên đầu tư thẳng cho các điển hình đi dưới hầm tối này, vì họ đủ kiên trì, quyết tâm để vươn tới thành công. Đối với các sinh viên, thanh niên trẻ có ý tưởng nhưng chưa có vốn ư, theo tôi hãy để các bạn ấy rèn luyện thêm. Tới khi các bạn có đủ độ chín, thậm chí vấp ngã nhất định, lúc đó rót vốn cho các bạn ấy cũng chưa muộn”, ông Nguyễn Văn Ngà nêu quan điểm. 

Điểm qua một số trung tâm hỗ trợ DN khởi nghiệp trên địa bàn TPHCM cho thấy, hiện có nhiều sở, ngành sẵn sàng vào cuộc để hỗ trợ tích cực cho các bạn trẻ, thanh niên bước đầu khởi nghiệp, sáng tạo. Chẳng hạn như Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP (ITP); Trung tâm ươm tạo công nghệ Trường Đại học Bách khoa TP; Vườn ươm DN khu công nghệ cao (SHTP); Câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp Trung tâm BSA… Gần đây nhất, TPHCM đã phát động phong trào thi đua “Thanh niên TP khởi nghiệp, lập nghiệp giai đoạn 2017-2020”, với mục tiêu hỗ trợ cho khoảng 20.000 thanh niên, sinh viên khởi nghiệp. Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, các dự án hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp tại TPHCM lên đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT, Giám đốc vườn ươm DN phần mềm Quang Trung, phần lớn các trung tâm, vườn ươm của TP (trực thuộc Nhà nước quản lý) làm nhiệm vụ chính hỗ trợ các nhóm tiền khởi nghiệp. Nội dung hỗ trợ bao gồm: tư vấn hồ sơ, thủ tục pháp lý trong việc thành lập DN… Tính từ đầu năm đến nay, vườn ươm DN phần mềm Quang Trung đã hỗ trợ tư vấn cho 30 nhóm khởi nghiệp. Sau đó, vườn ươm chọn ra được 10 nhóm để giới thiệu cho chương trình SpeedUp 2017 của Sở KH-CN TP. Có 3/10 nhóm vượt qua vòng xét tuyển và 1/3 trong số này nhận được sự hỗ trợ 500 triệu đồng từ chương trình. 2/3 nhóm còn lại đang trong giai đoạn thử thách (chạy thử nghiệm để có kết quả ban đầu), từ đó báo cáo lại cho hội đồng xem xét cấp vốn hỗ trợ. 

Nên giới thiệu trường hợp khởi nghiệp thất bại

Ghi nhanh tại nhiều hội thảo lớn về khởi nghiệp, nhiều DN thẳng thắn cho rằng, không chỉ giới thiệu về các DN thành công, mà hãy giới thiệu cả những DN khởi nghiệp thất bại để các bạn trẻ, thanh niên khởi nghiệp đúc rút kinh nghiệm cho mình. 

Anh Huỳnh Phương Thanh, Giám đốc Công ty TNHH T.T (chuyên về thực phẩm) tại quận 6, TPHCM chia sẻ về bài học của mình: “Cách nay vài năm, tôi đã cùng nhóm bạn thân thành lập công ty chuyên về đồ uống. Nhưng sau đó thất bại thảm hại, hàng tỷ đồng vay mượn từ gia đình, người thân, thậm chí cầm cố tài sản là căn hộ chung cư cũng lần lượt đội nón ra đi. Tôi như chìm vào quãng thời gian đen tối. Trong một dịp tình cờ nghe về bài học thất bại của ông chủ tập đoàn thương mại điện tử Amazon, tôi đã bừng tỉnh để gắng gượng lại. Bây giờ việc kinh doanh của tôi cũng ổn. Theo tôi, nên chia sẻ các bài học thất bại của chính người trong cuộc để người trẻ bớt mơ mộng, sống thực tế hơn”. 

Tương tự anh Huỳnh Phương Thanh, ông Nguyễn Văn Ngà, Giám đốc phát triển kinh doanh TrueDreams.vn, góp ý thêm rằng, chúng ta đang thiếu những người thầy làm DN trực tiếp giảng dạy kinh doanh cho học sinh, sinh viên.  

Tiến sĩ Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, hiện nay các chương trình liên kết hỗ trợ của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương. Nguồn vốn hỗ trợ khá lớn, đồng nghĩa với công cụ “lọc” DN ảo cũng rất mạnh. Điều đó không có nghĩa cơ hội nhận rót vốn cho DN khởi nghiệp bị siết lại. Tuy vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đức Bình cũng khuyến nghị tới các bạn trẻ, đặc biệt là thanh niên khởi nghiệp cần xem xét, bổ sung thêm trình độ cho mình. Nhất là các kiến thức pháp luật, tham gia các lớp tập huấn về kinh doanh…

Tin cùng chuyên mục