Thành lập công ty cổ phần mua bán điện :

Chuyển từ độc quyền của EVN sang độc quyền doanh nghiệp?

Doanh nghiệp của các “đại gia”

Hôm qua, 23-5, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã lấy ý kiến của đại diện các bộ, ngành và tập đoàn, tổng công ty lớn trước khi trình Thủ tướng xem xét đề án thành lập công ty cổ phần mua bán điện. Đa số các đại biểu tán thành việc lập công ty này nhưng cũng yêu cầu không được để doanh nghiệp này độc quyền mua điện.

Doanh nghiệp của các “đại gia”

Theo đề án, công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng với cổ đông sáng lập là 7 doanh nghiệp lớn của Việt Nam, trong đó có các tập đoàn: Dầu khí quốc gia; Bưu chính Viễn thông (VNPT); Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam và các tổng công ty: Xi măng, Sông Đà, Lắp máy, Thép... do EVN nắm cổ phần chi phối. Khi thành lập, công ty sẽ mua điện của 34 nhà máy, bán buôn cho 11 công ty phân phối điện với sản lượng từ 64,7 tỷ kWh năm 2007 lên 99,97 tỷ kWh vào năm 2010.

Theo ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT EVN, việc xác định giá mua bán điện của công ty sẽ thể hiện rõ lợi ích hài hòa của các bên, tạo ra sự tin tưởng của người tiêu dùng. Giá mua điện hợp lý sẽ kích thích nhà đầu tư bỏ vốn vào công trình điện, giảm sức ép thiếu điện. Các nhà máy sẽ phải chào giá bán điện, công ty sẽ mua của đơn vị nào chào bán với giá thấp nhất. Khi biểu giá bán lẻ điện được điều chỉnh theo yếu tố chi phí đầu vào thì công ty sẽ mua điện với giá chào bán 60 phút/lần. Theo ông Hưng, việc ra đời công ty này sẽ đem lại nhiều lợi ích khác như: xác định rõ chi phí giữa các khâu phát điện, truyền tải, phân phối; tăng tính minh bạch của thị trường điện, tránh được dư luận cho rằng EVN ép giá các công ty phát điện; thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh đi vào hoạt động chính thức; đem lại lợi ích tối đa cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng...

Tại sao không lập nhiều công ty mua bán điện?

Đề án công ty có tác động đến 84 triệu dân nói trên đã được đại diện các bộ, ngành đặc biệt quan tâm. “Toàn ngành của chúng tôi tiêu thụ xấp xỉ 4 tỷ kWh/năm. Lúc chúng tôi cần mua nhiều thì EVN thiếu điện. Vì vậy, tôi rất quan tâm đến việc ra đời của công ty”, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xi măng Lê Văn Chung nói. Tuy nhiên, theo ông Chung, cần phải xác định lộ trình rõ ràng vì một công ty duy nhất mua bán điện sẽ biến độc quyền của ngành điện thành độc quyền của công ty cổ phần mua bán điện. Đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chất vấn: Tại sao đến 2014 mới phá thế độc quyền mua bán điện? Tại sao có hàng trăm nhà máy điện mà chỉ có một doanh nghiệpï mua? Đây là công ty cổ phần, hoạt động vì lợi nhuận nên sẽ bị chủ đầu tư và cổ đông ép phải mua thấp, bán cao.

Ở góc độ liên quan, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công nghiệp) cũng chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn và những điểm chưa rõ ràng ảnh hưởng đến giá bán điện. Ví dụ, các đơn vị cổ đông sáng lập hiện vừa là người mua điện, vừa sản xuất điện để bán vậy họ sẽ đại diện cho người bán hay người mua? Xử lý giá bán điện ra sao? Xử lý bù chéo giá điện như thế nào? Đó là chưa kể việc nếu mua thấp, sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Hiện nay, giá bán điện do Nhà nước ấn định, trong trường hợp bán giá cao sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và dẫn đến không ít nhà phân phối điện sẽ bị phá sản.

Tiếp thu, giải thích và hứa sẽ bổ sung, làm rõ thêm các vấn đề trên, ông Đào Văn Hưng cho biết việc để các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia công ty chính là nhằm chống độc quyền. Họ sẽ đại diện cho cả người tiêu dùng và nhà phân phối nên kiểm soát chặt chẽ giá mua, giá bán. Ông cho rằng điều kiện kỹ thuật, pháp lý và nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được việc cho ra đời nhiều công ty mua bán điện. Chưa hài lòng với cách lý giải của EVN, ông Lê Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng lật lại vấn đề tại sao không để 11 đơn vị phân phối điện trực tiếp mua bán điện mà lại phải thành lập thêm một doanh nghiệp?

Nam Quốc

Mua điện với giá theo giờ?

Bên hành lang hội thảo, ông Đào Văn Hưng đã trả lời PV SGGP:

- Từ năm 2005, EVN đã thực hiện chào giá bán điện cạnh tranh nội bộ. Phải chăng phương án này đã thất bại?

Chào giá nội bộ là quá trình chuẩn bị cho thị trường điện cạnh tranh. Không thể ngày một ngày hai là làm được. Đây là bước đi cần thiết. Đề án mới sẽ kế thừa những thành quả của việc vận hành thị trường điện cạnh tranh nội bộ như kinh nghiệm về chào giá của các nhà máy; quy trình thực hiện; các phần mềm đã đầu tư; tập huấn cán bộ...

- Ra đời thêm công ty này lại thêm trung gian, làm giá điện sẽ tăng?

Đây không phải là công ty trung gian. Tất cả các quốc gia muốn phát triển đều phải có công ty mua bán điện. EVN chuyển giao cho công ty này làm. Đó là chi phí hợp lý. Ra đời công ty là có lợi nhất.

- Nhưng, sẽ tốt hơn nếu có nhiều công ty như vậy?

Muốn vậy phải hội đủ các điều kiện hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực.

- Với việc ra đời công ty này, người tiêu dùng sẽ phải mua điện với giá thay đổi theo từng giờ?

Giá mua theo giờ chỉ tác động đến các công ty phát điện. Giá mua vẫn chưa có biến động. Người dân sẽ vẫn mua với giá ổn định trong năm.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục