
(SGGP online).- Chiều nay 16-3, phiên tòa xét xử vụ án chạy quota xảy ra tại Bộ Thương mại tiếp tục với phần thẩm vấn đại diện của Bộ Thương mại (được triệu tập đến tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) về quy trình cấp, phân bổ hạn ngạch dệt may, đại diện Bộ Thương mại là ông Phan Thế Hào, Vụ trưởng-phụ trách Văn phòng Bộ Thương mại tại phía Nam, cho rằng việc phân bổ hạn ngạch hàng dệt may là một vấn đề hết sức phức tạp trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp thì rất lớn (hơn 1.000 doanh nghiệp dệt may) nhưng hạn ngạch được phân bổ hàng năm rất ít.
“Tôi khẳng định quy trình xét duyệt, phân bổ hạn ngạch rất chặt chẽ qua nhiều khâu, hơn nữa liên bộ Thương mại, Công nghiệp, Kế hoạch Đầu tư còn thành lập Tổ điều hành để xem xét cấp hạn ngạch cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp quota, gửi hồ sơ bằng đường công văn, sau đó bộ phận văn thư sẽ tiếp nhận và trình lên lãnh đạo bộ. Từ đây hồ sơ được chuyển qua Vụ Xuất nhập khẩu và phân cho các chuyên viên phụ trách địa bàn. Nhưng với lượng lớn hồ sơ như vậy ít nhiều cũng xảy ra một vài sai sót”, ông Hào nói.
Tòa hỏi: “Mấy ngày vừa qua ông có tham dự phiên tòa đầy đủ không? Ông có nghe các bị cáo, người liên quan trình bày về việc họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin hạn ngạch, gửi hồ sơ nhiều lần nhưng không có kết quả dẫn đến việc doanh nghiệp bị phạt vì làm không đúng hợp đồng,… Còn cán bộ của Bộ Thương mại trực tiếp xử lý, xem xét phân bổ quota thì có hành vi tiêu cực, nhận tiền doanh nghiệp làm trái quy trình… Ông nghĩ sao về những vấn đề này? Lãnh đạo hay cá nhân ông có biết những việc này không?”.
“Chúng tôi có nghe râm ran về việc này, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là người tích cực chống tiêu cực trong nội bộ ngành đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra nhằm phát hiện những tiêu cực để xử lý. Đoàn kiểm tra do Phó Chánh thanh tra Bộ và một đồng chí vụ phó chịu trách nhiệm thực hiện. Khi đang tiến hành kiểm tra thì cơ quan điều tra đã vào cuộc…”, ông Hào trả lời. HĐXX nói: “Như vậy là phản ứng của Bộ trước hiện tượng tiêu cực rõ ràng là chưa kịp thời?”
Để làm rõ thêm vấn đề này, HĐXX công bố một số bút lục tại hồ sơ là lời khai của các bị cáo là giám đốc một số doanh nghiệp “than” về quy trình, “than” vì cơ chế xin-cho. “Nếu không có quan hệ quen biết, không có tiền thì hầu như việc xin cấp hạn ngạch không được xem xét, nếu có cũng rất hiếm hoi. Ông thấy việc này thế nào?”,
Tòa tiếp tục chất vấn đại diện Bộ Thương mại. “Họ khai như vậy là chưa chính xác, đây chỉ là hiện tượng cá biệt, cán bộ công chức sai phạm chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” thôi chứ không phải phổ biến”, ông Hào phân trần rồi kiến nghị HĐXX xem xét những công lao, cống hiến của các bị cáo Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng đối với ngành thương mại...
Có vẻ như không hài lòng về cách trả lời của vị đại diện Bộ Thương mại, vị Hội thẩm nhân dân đã “truy” tiếp về trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Thương mại về những tiêu cực xảy ra và là nguyên nhân dẫn đến vụ án này.
Ông hỏi: “Ông có nghe các bị cáo khai, có doanh nghiệp nộp hồ sơ 3 tháng vẫn chưa có hồi âm về việc cấp hạn ngạch xuất khẩu. Do chờ không được vì hàng đã xuất đi nhưng chưa có quota nên họ phải “chạy” mua quota cho được bằng mọi giá? Tôi trích lại những lời khai này để ông ghi nhận và về báo cáo lại lãnh đạo Bộ Thương mại vì nếu ông nói quy trình của Bộ trong việc xét cấp hạn ngạch là chặt chẽ thì tại sao bản thân lãnh đạo Bộ lại bút phê trước lên hồ sơ của doanh nghiệp rồi doanh nghiệp này mới cầm đi nộp cho văn thư? Như vậy chẳng phải chính lãnh đạo Bộ Thương mại làm trái quy trình? Việc này chứng tỏ ông không nắm được gì cả!”. Nghe xong, đại diện của Bộ Thương mại im lặng…
15 giờ 15 phút, HĐXX tuyên bố buổi làm việc hôm nay kết thúc sớm vì một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, không thể tiến hành việc xét hỏi. Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu thông báo HĐXX tiếp tục làm việc trở lại vào ngày thứ hai 19-3 và yêu cầu tất cả các bị cáo và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải có mặt.
CÔNG QUỐC