Đào tạo con người của tương lai

Buổi gặp gỡ giữa GS Paul Kim, Giám đốc phụ trách công nghệ Văn phòng Đổi mới và công nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục sau ĐH (ĐH Stanford, Hoa Kỳ), với các chuyên gia giáo dục diễn ra tại TPHCM vào đầu tháng 10-2017 đã khẳng định hướng đi đúng của ngành giáo dục Việt Nam khi đưa mô hình STEM (Science - Technology - Engineering - Math) vào trường học.
Học sinh các nước tiếp thu dễ dàng những kiến thức khoa học bằng cách sử dụng nền tảng công nghệ SMILE trên thiết bị di động
Học sinh các nước tiếp thu dễ dàng những kiến thức khoa học bằng cách sử dụng nền tảng công nghệ SMILE trên thiết bị di động
Không chỉ vậy, việc Sở GD-ĐT TPHCM cùng với ĐH Stanford và EMG Education ký kết “Giới thiệu mô hình giáo dục STEM thông qua nền tảng công nghệ SMILE (Stanford Mobile Inquiry-based Learning Environment)” đã đánh dấu bước đi tiên phong của ngành giáo dục TPHCM khi ứng dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, công nghệ cao trong nhà trường.
 “Nhanh sẽ đánh bại chậm” Theo GS Paul Kim, giáo dục là nền tảng giúp nhiều nhà lãnh đạo tương lai phát triển hết khả năng. Việc nhận định đúng hướng của giáo dục hôm nay sẽ thay đổi ngày mai. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra cần nguồn nhân lực mới, phương thức giáo dục - đào tạo mới. GS Paul Kim nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà tương lai học Alvin Toffler: “Những người được xem là mù chữ trong thế kỷ 21 không phải là những người không biết đọc - biết viết, mà là những người không có khả năng từ bỏ cái đã học và học cái mới”.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM LÊ HỒNG SƠN:
 Mục tiêu của giáo dục và đào tạo TPHCM sẽ bám sát định hướng của Chính phủ nhằm đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chủ trương đẩy mạnh giáo dục STEM trong nhà trường của Bộ GD-ĐT. Chúng ta sẽ đưa ứng dụng thực tiễn vào các môn toán, khoa học với kỹ thuật công nghệ để học sinh có môi trường tự phân tích, tìm tòi, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh.
Hay như Rubert Murdoch, CEO của hãng 21st Century Fox, từng nói: “Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Lớn sẽ không còn đánh bại nhỏ mà nhanh sẽ đánh bại chậm”. Ông muốn nói giáo dục cũng thay đổi rất nhanh chóng để bắt kịp sự phát triển của thế giới và phải áp dụng nhanh khoa học - công nghệ vào việc giảng dạy để học sinh thông qua môi trường đó nắm bắt, giải quyết ngay các vấn đề của cuộc sống. Giải đáp thắc mắc liệu học sinh từ cấp tiểu học có thể sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để học tập hay không? GS Paul Kim đưa ra con số nghiên cứu của Stanford: 65% học sinh tiểu học ngày nay khi trưởng thành sẽ làm những công việc mới mà hiện tại chưa xuất hiện. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho giáo dục là phải đào tạo ra những con người của tương lai, luôn biết sáng tạo, thiết kế và phát minh. Vì thế, khi nhìn đứa trẻ đang sử dụng những phần mềm, thiết bị thông minh một cách thành thạo, các bậc phụ huynh không thể hiểu nổi chúng đang làm gì. Bởi vậy, người làm giáo dục và kể cả bậc phụ huynh buộc phải học để nắm bắt và vận dụng để có thể chuẩn bị cho một tương lai mà những loại hình công việc mới sẽ xuất hiện dựa trên sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Máy tính ngày nay đã làm những việc con người 10 năm trước còn không tưởng tượng được. Máy tính có thể sáng tác những bản nhạc như nhạc sĩ thực thụ và đã bán đấu giá thành công những nhạc phẩm đó. Những đề toán trên giấy được chụp lại, đưa ảnh vào máy tính và được giải trong vài giây. Các kiện hàng hóa của “siêu” siêu thị trên mạng Amazon được vận hành, di chuyển chỉ nhờ robot và phần mềm quản lý tự động… Vậy con người phải làm gì? Người lao động cần những kỹ năng gì để tồn tại trong thế giới tương lai?
Giáo sư PAUL KIM: 
Thông qua EMG Education, chúng tôi vui mừng được hợp tác để phổ biến những công nghệ giáo dục tiên tiến nhất của ĐH Stanford nhằm phục vụ cho mục đích phát triển trí tuệ, nâng cao khả năng sáng tạo, thực hành khoa học, biết giải quyết những vấn đề hiện thực của cuộc sống, luôn quan tâm đến cộng đồng. Chúng tôi mong muốn cùng Sở GD-ĐT TPHCM, cũng như các cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam chia sẻ những lợi ích to lớn của SMILE đến với thế hệ trẻ Việt Nam, cũng như quá trình thúc đẩy học tập trọn đời, tinh thần khởi nghiệp, phát minh sáng chế. Việc thay đổi cách học cũng như cách dạy ứng dụng công nghệ của ĐH Stanford đòi hỏi công tác tập huấn hỗ trợ chuyên môn sâu và chúng tôi sẽ nỗ lực để truyền những kinh nghiệm mà chúng tôi đã có thông qua những trải nghiệm trên thế giới.
Câu trả lời là học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải được truyền đạt nhanh và đủ kiến thức, sử dụng công nghệ thành thạo, tiếp cận với những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Sau đó ứng dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm mới, nghĩ ra những giải pháp mới cho thực tiễn xã hội.Giáo dục định hướng STEM Nền tảng công nghệ SMILE của Stanford nhắm đến việc tạo ra môi trường sư phạm giáo dục của tương lai, với những phương châm như “Không gian sáng tạo là trường học của tương lai” hay “Học sinh của tương lai sẽ là những nhà phát minh”.
Gần đây, SMILE đã được UNESCO đánh giá là mô hình tiên tiến, có tính đột phá của giáo dục tương lai và sẽ gây ảnh hưởng tích cực trên phạm vi toàn cầu. Nền tảng công nghệ này đã được áp dụng vào những lớp học theo mô hình STEM ở bậc tiểu học tại thung lũng Silicon, Hoa Kỳ. Tại đây, các em học lớp 3 có thể sử dụng bộ dụng cụ khoa học thực hành trong những hoạt động sáng tạo, như lên chương trình cho flycam để quay khu vực nhà ở, đưa vào máy tính phân tích dữ liệu; sau đó thiết lập nên hệ thống bảo vệ an ninh cho căn nhà. Một nhóm học sinh lớp 5 đã sử dụng máy in 3D để in ra mô hình mô phỏng tim người và học cách thực hành phẫu thuật tim. Bên cạnh đó, mô hình sư phạm SMILE còn khuyến khích học sinh biết đồng cảm và chia sẻ với những hoàn cảnh khác trên thế giới. Ví dụ như một em nhỏ đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra những cánh tay giả cho các bạn đồng trang lứa bị tai nạn hay khuyết tật. “Trong ngôi trường của tương lai sẽ có những học sinh như thế. Các em sẽ thiết kế và phát minh ngay trong lớp học”, GS Paul Kim khẳng định.
Ông GARETH JONES, Khối trưởng khối Toán, Khoa học và ứng dụng STEM (EMG Education): 
STEM phát triển cho người học những kỹ năng thiết yếu để thành công trong thế kỷ 21. Đó là kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, kỹ năng suy nghĩ độc lập. Thực tế trong các giờ học của chương trình tích hợp hiện nay, chúng tôi đã và đang tích cực đưa phương pháp giáo dục liên môn STEM vào các giờ dạy toán, khoa học. Ví dụ trong giờ vật lý, chúng tôi sẽ đưa lý thuyết về quy trình tạo sóng và sau khi giải thích ngắn gọn, chúng tôi cho học sinh thực hành ứng dụng với yêu cầu đặt ra là “các giải pháp chống lũ lụt”. Qua đó, học sinh sẽ trải nghiệm việc đặt tình huống giả định như một chuyên gia khoa học để phát minh các giải pháp mới cho vấn đề chống lũ lụt. Như thế, học sinh không chỉ sử dụng kiến thức trong sách giáo khoa theo cách học thông thường mà còn có thể tự tạo ra nguồn sách bằng các câu hỏi để thảo luận và giải quyết các vấn đề thường ngày.
Tuy vậy, để có thể ứng dụng vào thực tế giáo dục Việt Nam, sẽ cần thời gian để thay đổi thói quen suy nghĩ, phương thức giáo dục, cũng như đòi hỏi nỗ lực hết mình của đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục. Ông Paul Kim cho rằng, những thay đổi mang tính kỹ thuật như viết lại sách giáo khoa, cải tiến cách thức thi, đổi mới phương pháp giảng dạy trong một khung chương trình giới hạn và đích đến là khảo thí… thì vẫn “nằm trong một khuôn mẫu cũ”. PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết đã giao quyền chủ động tổ chức các hoạt động dạy và học cho các cơ sở giáo dục dạy chương trình phổ thông theo phương pháp giảng dạy tích cực. Trên khung chương trình chuẩn, các trường có thể xây dựng lại bài học theo từng chủ đề và tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp. Bài học có một phần giảng dạy trong lớp bám sát định hướng, chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia và một phần thực hành với các hoạt động ngoài giờ học. Đây là những bước chuyển ban đầu trong công tác giảng dạy và khuyến khích các trường đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng phương pháp giáo dục STEM. Việt Nam cũng đang từng bước áp dụng STEM và phải có chuẩn đánh giá, đi theo hướng tích hợp môn học. “Mọi phương pháp cải tiến đều quy lại giống nhau ở nguyên lý nhưng khác nhau ở cách triển khai, thực thi, truyền đạt đến học sinh. Quan trọng nhất là khả năng, nghệ thuật của giáo viên”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.Sáng tạo thông qua tư duy và cách đặt câu hỏi GS Paul Kim chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ không chỉ là mua cho học sinh máy tính hoặc máy tính bảng. Dùng máy tính không có ý nghĩa chúng ta áp dụng công nghệ cao mà quan trọng hơn cả là các định hướng giáo dục và phương pháp gắn liền với ứng dụng công nghệ đó”. Sau khi được triển khai trong lớp học, SMILE giúp học sinh tiếp thu các môn học và phát triển các kỹ năng học tập cấp độ cao, đồng thời còn giúp giáo viên và các cấp quản lý có cái nhìn phân tích tổng quan rõ ràng theo thời gian thực.  SMILE là một công nghệ Stanford đã phát triển nhằm giúp học sinh trở thành những người học chủ động, là những người đặt câu hỏi trong lớp học. Cụ thể, SMILE kết nối tất cả người học, học sinh có thể đặt câu hỏi cho các bạn cùng nhóm, trả lời và đánh giá câu hỏi của nhau, nhận xét về câu hỏi của nhau. Đây là mô hình hoàn toàn mới, vì trong lớp học truyền thống, giáo viên là người đặt câu hỏi, nhưng với SMILE, học sinh sẽ là người hỏi. Giáo viên, thông qua câu hỏi của học sinh, sẽ biết được học sinh tiếp thu những gì, các lỗi thường gặp, các điểm kiến thức các em biết hoặc chưa biết. Với phương pháp sư phạm SMILE, giáo viên hiểu rõ trình độ, mức tiến bộ của từng học sinh và mọi thông tin được hiển thị rõ ràng minh bạch. Phụ huynh cũng biết được những câu hỏi con em mình đã đặt ra, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục biết được mức độ tiếp thu của học sinh ở từng chủ đề.

Tin cùng chuyên mục