Thưởng thức âm nhạc từ… SGK

Nói đến việc giáo dục, hay đào tạo âm nhạc, nhiều người nghĩ ngay đến mục tiêu có thể chơi được một loại nhạc cụ, hoặc có thể hát, nhưng trong thực tế, giáo dục âm nhạc còn hướng đến mục tiêu tạo ra người thưởng thức âm nhạc, một người nghe có kiến thức.

Cảm thụ cái hay

Đã từng có một câu chuyện như sau: trong một nhóm các nghệ sỹ piano (pianist) được đào tạo bài bản và thành danh, chỉ duy nhất một người không chọn con đường đào tạo và biểu diễn chuyên nghiệp. Pianist này chọn con đường đào tạo những học viên thông thường nhưng theo khoa học sư phạm, không chỉ biết chơi đàn mà còn biết nghe nhạc và nói vui với những người bạn mình rằng đang “đào tạo ra… khán giả cho những pianist chuyên nghiệp”. Thực tế cho thấy, bộ môn cảm thụ âm nhạc đã và đang được đưa vào giảng dạy ở nhiều bậc học, nhiều hệ đào tạo, từ chuyên nghiệp, đến phong trào chứ không chỉ giới hạn trong các đơn vị đào tạo âm nhạc.

z5405631881045_8b5b98ae2c60c0ff3cd50eec8f48f67a.jpg
SGK Âm nhạc bộ Chân trời sáng tạo tạo được cảm hứng và động lực để học sinh có thể hướng đến âm nhạc chuyên nghiệp

TS Hồ Ngọc Khải, đồng Tổng Chủ biên SGK Âm nhạc bộ Chân trời sáng tạo, kể lại: Khi tiến hành dạy thử SGK Âm nhạc lớp 5 bộ Chân trời sáng tạo ở chủ đề 1 “Vui ngày khai trường” với bài hát “Đường đến trường vui lắm”, nhiều học sinh bộc lộ khả năng tiếp thu vượt cả kỳ vọng. Nhìn ở góc độ chuyên môn, bài “Đường đến trường vui lắm” (Nhạc: Lưu Hà An, Lời: Nhật Hoa) có hiện tượng đảo phách, không hề dễ hát, nhưng trong thực tế rất nhiều học sinh lại nhanh thuộc và hát được vì hai lý do: Thứ nhất, dù đảo phách, nhưng bài hát có giai điệu hay, ca từ dung dị, giàu cảm xúc, nên dễ đi vào lòng người. Thứ hai, đây là một bài hát phổ biến và nhiều học sinh cũng được nghe ở nhiều kênh khác nhau, nên khi gặp lại trong SGK sẽ cảm thấy hào hứng.

Nhờ vậy, chỉ trong chưa đầy một tiết 35 phút, học sinh đã có thể thực hiện tốt các yêu cầu như “Nghe bài hát kết hợp vận động”, “Tập hát thể hiện cách hát luyến, láy và ngân dài”, “Hát với hình thức đồng ca có lĩnh xướng”, “Hát kết hợp gõ đệm theo nhịp”, ngoài ra còn có thể chỉ ra những lời ca diễn tả hình ảnh, âm thanh và nêu cảm nghĩ về ngôi trường. Và rõ ràng là khi nhận biết được một ca khúc hay, học sinh sẽ hình thành được “bộ lọc” tự nhiên để tránh những loại nhạc rác, nhạc nhảm vốn đang tràn lan trên mạng hiện nay, và thu được một số kiến thức cơ bản về thanh nhạc như hát luyến láy, ngân dài, đồng ca.

Đầu tư cho tâm hồn

ThS Lê Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị, quận 1, TPHCM nhận định: “Xu hướng đầu tư cho việc dạy và học môn âm nhạc tại các trường học đang diễn ra mạnh mẽ. Rất nhiều trường học có phòng âm nhạc riêng với nhạc cụ, trang thiết bị hiện đại, thậm chí vượt cả yêu cầu. Đa số phụ huynh đều hiểu được môn âm nhạc không phải môn phụ, mà là môn học quan trọng, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và bổ trợ cho sự phát triển các môn khác”. Chủ đề số 8 ở SGK Âm nhạc lớp 5 bộ Chân trời sáng tạo là “Hoa thơm dâng Bác” theo kết cấu chương trình sẽ rơi vào giai đoạn tháng 5, cũng là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ ngày 19-5. Khi học chủ đề này, ngoài âm nhạc, chắc chắn học sinh sẽ có thêm những bài học lịch sử trong không khí cả nước cũng kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác.

Có thể nhận ra kỳ vọng rất lớn từ cả nhà trường lẫn các tác giả của SGK Âm nhạc bộ Chân trời sáng tạo trong việc nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho học sinh. Và điều này có thể thấy được khá rõ khi nhìn vào danh sách những bài hát được lựa chọn để giảng dạy vừa có tính nền tảng, vừa có cả sự đa dạng và mang tính hội nhập rất cao. Chủ đề số 4 “Kết nối yêu thương” đã lựa chọn bài dân ca rất nổi tiếng của Hàn Quốc “A-ri-ang khúc hát quê hương” được chủ biên Đặng Châu Anh đặt lời. Như vậy, học sinh ngoài việc biết đến Kpop của Hàn Quốc thì còn biết thêm được cả một bản dân ca nổi tiếng. Học sinh nếu đã là “fan Kpop” thì cũng sẽ có động lực trong việc tìm hiểu thêm một bản dân ca của Hàn Quốc để hiểu thêm về âm nhạc.

z5405634961214_a756872259eee501e780440e074a5843.jpg
Những thông tin về các nhạc sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước đều được trình bày, minh họa rất chi tiết, thú vị trong SGK Âm nhạc bộ Chân trời sáng tạo

Nếu học sinh được cha mẹ dẫn đi thưởng thức các buổi hòa nhạc sẽ quen với việc nhận được các tờ giới thiệu tác giả, nguồn gốc tác phẩm để dẫn nhập vào chương trình. Thì thực ra, SGK Âm nhạc bộ Chân trời sáng tạo cũng đang làm rất tốt phần này khi giới thiệu cả về các nhạc cụ dân tộc Việt Nam cũng như các nhạc cụ phương tây. Tiểu sử của các nhạc sỹ nổi tiếng trong nước như Hoàng Long - Hoàng Lân cho đến thế giới như F. Su-be cũng được trình bày, minh họa rất thú vị. Nói cách khác, một học sinh sau khi được học SGK Âm nhạc bộ Chân trời sáng tạo thì việc đi đến tham dự một buổi hòa nhạc cổ điển cũng không có chút nào bỡ ngỡ. Có thể nói SGK Âm nhạc bộ Chân trời sáng tạo đã thành công không chỉ trong việc chuyển tải những yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà còn đem lại những kết quả tích cực hơn nữa trong việc hướng học sinh trở thành những người thưởng thức âm nhạc có nền tảng kiến thức.

Tin cùng chuyên mục