Học làm người: 1 tiết và 1 đời

Khi những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, đạo đức học đường gây bức xúc cho dư luận thì vai trò của những môn học “làm người” như Đạo đức hay Giáo dục công dân cũng được nhắc đến. Vấn đề đặt ra ở đây là mỗi tuần chỉ có 1 tiết học Đạo đức hay Giáo dục công dân liệu có đủ? Nhưng nếu tăng lên thì tăng lên bao nhiêu và khi nào áp dụng được, có lẽ là câu chuyện của tương lai. Còn ở hiện tại, cần những giải pháp để có thể nâng cao chất lượng dạy và học cho các môn học dạy làm người.

Không phải môn phụ

Nhà giáo Mai Thị Hồng Hạnh, hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Đông Ba, quận Phú Nhuận, TPHCM chỉ ra một thực tế: Thời lượng để biên soạn một bài giảng Đạo đức của tôi tương đương, thậm chí hơn cả những môn Toán, Tiếng Việt… Vì mỗi tuần chỉ có 1 tiết, nên phải lựa chọn những cách truyền đạt tối ưu nhất cho học sinh và cần nói rõ ở đây, môn Đạo đức hay môn Giáo dục công dân ở các cấp học trên không phải môn phụ. Nếu như nhiều môn học khác, điểm số có thể thấy rõ ngay ở hiện tại, thì với các môn học làm người, tương lai và hành vi mới là kết quả chính xác nhất. Vì vậy, trong một chừng mực nào đó, đây là môn học chưa nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Thực tế, SGK Đạo đức bộ Chân trời sáng tạo có cách trình bày rất bắt mắt, có tính tương tác cao. Học sinh chỉ cần dành khoảng 5 phút là có thể đọc được nhiều trang sách và thu được nhiều điều bổ ích, phù hợp với lứa tuổi.

Cô Mai Thị Hồng Hạnh được các đồng nghiệp nể trọng và rất nhiều phụ huynh mong muốn con mình được theo học, vì cô có những giải pháp giúp nhiều học sinh vốn ngại học, chậm tiếp thu có thể thay đổi ý thức và hiệu quả học tập chỉ trong thời gian ngắn. “Vấn đề không chỉ nằm ở phương pháp làm một bài toán hay viết một đoạn văn mà cốt lõi phải là ý thức của học sinh, mà điều này phải được rèn giũa từ những phẩm chất đã được nhấn mạnh trong môn đạo đức bao gồm yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trách nhiệm, trung thực. Chẳng hạn, tôi đã dành nhiều thời gian trò chuyện với những học sinh chưa chăm chỉ về sự vất vả trong công việc của cha mẹ em, và dạy cho em về lòng biết ơn, về trách nhiệm của một người con. Khi hiểu rõ được điều này, thái độ học sinh nhanh chóng thay đổi và em trở nên chăm chỉ hơn, thấy được trách nhiệm của mình phải học tốt để đền đáp công ơn cha mẹ”, nhà giáo Mai Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Tích tiểu thành đại

Có một chi tiết khá thú vị liên quan đến SGK Giáo dục công dân dành cho học sinh THCS, đó là sức hút dành cho phụ huynh còn… lớn hơn cả học sinh vì Tổng Chủ biên chính là chuyên gia tâm lý GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Rất nhiều người ở thế hệ 9x đời đầu, rồi 8x trở về trước đều ấn tượng với những tư vấn, chia sẻ, gỡ rối… từ chuyện tình cảm, đến cách dạy con của chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn. Không khó để nhận ra ý định tham gia biên soạn SGK Giáo dục công dân bộ Chân trời sáng tạo của GS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng để thỏa mong muốn được đồng hành với các phụ huynh trong việc giáo dục con cái. Đây là một chủ đề mà những ai đã từng tiếp xúc với vị chuyên gia này đều cảm nhận được nỗi trăn trở và nhiệt huyết cống hiến không giới hạn.

z5405276392654_95aec623db531b66a5ac21b92159a6c4.jpg
Sự xuất hiện của GS.TS Huỳnh Văn Sơn trong vai trò Tổng Chủ biên SGK Giáo dục công dân bộ Chân trời sáng tạo thu hút không chỉ học sinh mà còn rất nhiều phụ huynh

Bài học đầu tiên trong SGK Giáo dục công dân lớp 9 bộ Chân trời sáng tạo chính là “Sống có lí tưởng”. Những năm gần đây, lối sống chia sẻ, chung tay với cộng đồng được đề cao, thông qua các chương trình xã hội và điều này đã được nhiều thế hệ hưởng ứng. Nhưng với riêng giới trẻ, những học sinh 14-15 tuổi, vốn tò mò, thích đặt câu hỏi phản biện, chẳng hạn vì sao phải chia sẻ, vì sao phải cống hiến, có lẽ bài học “Sống có lí tưởng” sẽ giải quyết triệt để những trăn trở này. Các thông tin, kiến thức được lồng ghép rất thú vị để minh họa cho bài học từ “Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” đến trích đoạn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, tranh minh họa ba chiến sỹ cảnh sát PCCC đã hy sinh được vẽ theo phong cách chibi hợp với giới trẻ, và ca khúc “Sống như những đóa hoa” của ca nhạc sĩ Tạ Quang Thắng.

Thực tế khi đã thẩm thấu được bài đầu tiên “Sống có lí tưởng” thì việc tiếp cận những bài tiếp theo như Bài số 3 “Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng” sẽ đơn giản, và hứng thú hơn rất nhiều cho học sinh. Và muốn có thể tích cực tham gia các hoạt động thì học sinh cũng cần có cả các kỹ năng như “Quản lí thời gian hiệu quả” (bài số 6) hay “Tiêu dùng thông minh” bài số 8. “Học sinh cần phải được dạy rằng, làm được một điều bé nhỏ cũng có thể đem lại hạnh phúc cho bản thân hoặc cho người khác, từ đó sẽ có động lực để thực hiện những điều lớn lao hơn. Nếu học sinh nhìn ra điều này có thể hình thành thói quen làm việc tốt, và từ thói quen này có thể áp dụng cho nhiều môn học, lĩnh vực khác và cơ hội để trở thành người thành đạt, hạnh phúc trong tương lai sẽ tươi sáng hơn rất nhiều”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục