GDP có thể đạt 6,88%, nhưng cần thận trọng với kịch bản 2008

"Bối cảnh điều hành hiện tại (áp lực lạm phát trong nước và rủi ro suy giảm tổng cầu của kinh tế thế giới) khá giống – dù ở mức độ thấp hơn – so với giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4 năm 2008”, CIEM cảnh báo.
Lo ngại về rủi ro lạm phát tại một số thời điểm là có cơ sở
Lo ngại về rủi ro lạm phát tại một số thời điểm là có cơ sở

Sáng nay, 17-10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư”.

Theo nhóm nghiên cứu CIEM, mặc dù tốc độ tăng GDP đạt 6,88% trong quý 3 và 6,98% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước đó, song Việt Nam vẫn chưa trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao từng đạt được trong giai đoạn 1990-2006. 

Đáng lưu ý, quý 3 chứng kiến những diễn biến phức tạp hơn của chỉ số giá tiêu dùng (CPI): giảm 0,09% trong tháng 7, sau đó tăng lần lượt 0,45% và 0,59% trong các tháng 8 và 9. CPI bình quân tăng 4,14% trong quý và 3,57% trong 9 tháng đầu năm. Như vậy, lo ngại về rủi ro lạm phát tại một số thời điểm là có cơ sở, mặc dù mục tiêu lạm phát năm 2018 (bình quân 4%) có khả năng đạt được.

Trong khi thị trường tiền tệ đang được điều hành khá ổn định thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5% so với cùng kỳ 2017 và 21,6% so với quý 2. Giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ trong 9 tháng đầu năm tăng tới 89,1%. Khu vực ngoài nhà nước tiếp tục đóng góp chủ yếu vào mở rộng đầu tư, với mức tăng nhanh nhất và tỷ trọng lớn nhất. Tốc độ tăng đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn so với khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký chỉ đạt hơn 3,4 tỷ USD, giảm tới 45,8%; tuy vậy, vốn FDI thực hiện vẫn tăng, đạt 4,9 tỷ USD trong quý 3, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2017 và 9,1% so với quý 2…

Tổng hợp nhiều yếu tố, nhóm nghiên cứu của CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 (cập nhật) có thể đạt mức 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%.

Báo cáo đi sâu vào phân tích tác động lan tỏa của FDI đến doanh nghiệp trong nước; đặc biệt là hoạt động chuyển giao công nghệ và chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước, qua đó thúc đẩy tăng năng suất lao động; từ đó đưa ra một số giải pháp chính sách liên quan đến chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ, ưu đãi thuế và hỗ trợ các ngành, lĩnh vực ưu tiên, chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D), chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển nguồn nhân lực.

Nhìn chung, giai đoạn 9 tháng đầu năm đã giúp hình dung tốt hơn về bối cảnh và kết quả phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2018. Tăng trưởng kinh tế không suy giảm liên tục qua các quý như lo ngại. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực. Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi (về tỷ giá, lãi suất…) từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế.

“Những chuyển biến ấy càng đáng lưu tâm hơn khi bối cảnh điều hành hiện tại (áp lực lạm phát trong nước và rủi ro suy giảm tổng cầu của kinh tế thế giới) khá giống – dù ở mức độ thấp hơn – so với giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4 năm 2008”, CIEM cảnh báo.

Tin cùng chuyên mục