Cần thành lập Ủy ban Quốc gia về cải cách giáo dục

Cần thành lập Ủy ban Quốc gia về cải cách giáo dục

Tôi sẽ không đi sâu vào việc đánh giá cụ thể thực trạng giáo dục (GD) và đề xuất các giải pháp, mà chỉ nêu một vài ý kiến về nhận thức, chủ trương và phương pháp tiến hành một cuộc cách mạng nhất thiết phải có đối với nền GD nước nhà.

Học sinh lớp 8 Trường THCS Kim Đồng Q5 trong giờ thực hành thí nghiệm hóa học. Ảnh: Mai Hải

Học sinh lớp 8 Trường THCS Kim Đồng Q5 trong giờ thực hành thí nghiệm hóa học. Ảnh: Mai Hải

Những yếu kém, bất cập và lạc hậu đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong nền GD quốc dân của chúng ta đã tồn tại từ nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng. Hậu quả của nó không phải chỉ là không đáp ứng được nguồn nhân lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, không tạo tiền đề phát triển KH-CN, mà quan trọng hơn là góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa - đạo đức xã hội.

Nhận thức rằng GD đang thật sự khủng hoảng, rất nhiều ý kiến của các tổ chức và cá nhân có uy tín trong và ngoài nước khẳng định là cần tiến hành một cuộc cách mạng thực sự chứ không phải chỉ là đổi mới căn bản và toàn diện. Vấn đề không phải là hình thức diễn đạt, là câu chữ, mà nhận thức mức độ nghiêm trọng của sự xuống cấp và lạc hậu của nền giáo dục: đã thật sự khủng hoảng từ lâu chưa, hay cơ bản vẫn là tốt? Khủng hoảng thì phải cải cách triệt để; còn nếu vẫn cơ bản là tốt thì chỉ cần tiếp tục thực hiện các đề án đổi mới như Bộ GD-ĐT vẫn đang làm mấy chục năm nay.

Cần phải thắng thắn trả lời, vì sao lại đến nỗi nền GD của chúng ta hiện nay bị dư luận xã hội lên án là một “nền GD phản GD”, “nền GD bạo lực”, “nền GD tỵ nạn”...? Vì sao nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vừa mới đây lại phải kêu gọi: “Chúng ta cần một nền GD trung thực, lành mạnh và tiên tiến”? Phải chăng là nền GD này đang là giả dối, bệnh hoạn và lạc hậu? Vì sao GS Hoàng Tụy, người suốt đời gắn bó và trăn trở với GD, lại khẳng định: “Nền GD của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường”?

Tôi cho rằng, để đi đến đồng thuận xã hội và nhất trí trong các cấp lãnh đạo về thực trạng GD chúng ta phải tiến hành một cuộc tổng điều tra GD ở quy mô quốc gia với các phương pháp và công cụ hiện đại, rất tốn công, tốn của, tốn thời gian... để có được các dữ liệu khách quan trong một bức tranh toàn cảnh chân thực, chứ không thể chỉ căn cứ vào các bản báo cáo chính thức của ngành GD và các kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học ở từng mảng vấn đề hẹp. Các hội thảo khoa học kiểu như thế này cũng chỉ có tính gợi mở theo cảm tính chứ ít khi có dữ liệu đáng tin cậy. Trên cơ sở kết quả của cuộc tổng điều tra này chúng ta mới có thể biết thực sự nền GD của chúng ta yếu kém nhất ở những khâu nào, yếu kém đến mức độ nào để đề xuất phương án cải cách. Thiếu kết quả của một cuộc tổng điều tra như thế mọi kiến nghị cải cách GD chỉ mang tính gợi ý chứ không thể là các chương trình hành động khả thi.

Từ trước đến nay, đã có vô cùng nhiều ý kiến bức xúc của nhân dân nói lên thực trạng đáng lo ngại của GD nước nhà và đề xuất các phương án cải cách GD cụ thể hàng chục năm nay. Cũng đã có không ít các kiến nghị nghiêm túc của cá nhân và tập thể các nhà khoa học và nhân sĩ trong và ngoài nước về cải cách GD gửi cho các cấp lãnh đạo cấp cao. Đáng chú ý nhất là ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2004), kiến nghị của 24 GS và nhà khoa học trong và ngoài nước do GS Hoàng Tụy chủ biên (2004), Kiến nghị của Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam (2005), kiến nghị của nhóm trí thức người Việt ở nước ngoài (2007), bản kiến nghị của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm (2008)... Theo quan sát của chúng tôi, tất cả các ý kiến trên báo chí và kiến nghị kể trên tuy đều có luận cứ rõ ràng và có sức thuyết phục, nhưng đều chỉ có giá trị tham khảo chứ chưa hẳn là giá trị thực tiễn có thể áp dụng ngay được. Lý do là chưa có kết quả của một cuộc tổng điều tra để có các dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy thì mọi đánh giá thực trạng chỉ là phiến diện và chủ quan. Ngoài ra, tôi cho rằng, đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chỉ có thể được soạn thảo, thực hiện thành công bởi một ủy ban chuyên trách bao gồm các hội đồng chuyên gia rất giỏi và có uy tín trong từng lĩnh vực GD.

Hội nghị Trung ương 6 đang họp và sẽ ra Nghị quyết về đổi mới GD. Với mong mỏi nền giáo dục của chúng ta sẽ ra khỏi khủng hoảng, chúng tôi xin kiến nghị nghị quyết lần này nên ngắn gọn, không kể lể dài dòng thành tích và tồn tại, về nguyên nhân thành công và yếu kém, thời cơ và thách thức... mà cần đi thẳng những vấn đề cần quyết và cần chỉ đạo. Nghị quyết cần khẳng định nền GD đang khủng hoảng và cần tiến hành một cuộc cải cách triệt để. Chỉ nêu rõ mục tiêu và phương hướng cải cách chứ không đề ra các nguyên tắc cụ thể (vì đó là việc của các chuyên gia GD).

Chúng tôi cũng kiến nghị Trung ương quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về cải cách GD độc lập để thực hiện hai nhiệm vụ: Tổ chức tiến hành cuộc tổng điều tra GD trong năm 2013; tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về cải cách GD trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện bắt đầu từ 2015. Trung ương cũng cần quyết định từ nay đến khi có đề án tổng thể về cải cách GD, không tiến hành bất kỳ một đề án đổi mới hoặc dự luật GD mới nào do Bộ GD-ĐT đề xuất.

GS Chu Hảo
Phan Thảo
(ghi)

Tin cùng chuyên mục