Trường học gặp khó trả lương giáo viên khi thực hiện tinh giản biên chế

Sáng 23-4, tại cuộc họp giao ban giữa Sở GD-ĐT TPHCM với trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận huyện, các địa phương đã phản ảnh khó khăn khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế. 

Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, UBND quận Bình Tân có kế hoạch tinh giản 438 biên chế đối với ngành giáo dục. Trong đó, biên chế được giao cho các năm 2024, 2025, 2026 đều giảm 146 giáo viên so với năm trước đó.

"Địa phương cho biết tinh giản biên chế không phải là giảm người mà là giảm nguồn chi từ ngân sách để trả lương giáo viên. Điều này đồng nghĩa trường học tự kiếm nguồn trả lương cho giáo viên. Trong khi đó, tất cả nguồn thu hiện nay đều được quy định cụ thể, chi tiết từng khoản thu. Toàn quận có 63 đơn vị trường học, chia bình quân mỗi trường giảm khoảng 3 giáo viên. Việc tự kiếm nguồn thu trả lương thật sự gây khó khăn cho các trường học", ông Ngô Văn Tuyên bày tỏ.

Cùng quan điểm, ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú cho rằng, hiện nay bậc tiểu học không thu học phí. Vì vậy nếu giao khoán việc trả lương cho giáo viên khi thực hiện tinh giản biên chế thì trường học không biết lấy nguồn nào để chi trả.

Lãnh đạo phòng GD-ĐT quận Tân Phú thông tin, phòng GD-ĐT đã nhờ phòng Nội vụ tháo gỡ khó khăn, phòng Nội vụ yêu cầu hỏi phòng Tài chính. Sau đó, phòng Tài chính trả lời là sẽ có kế hoạch sau nên đến nay các trường vẫn chưa biết tháo gỡ thế nào.

Từ thực tế đó, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp nêu ý kiến: "Tôi nghĩ chúng ta không nên trông chờ mô hình trường tự chủ tài chính mà cần có cơ chế xã hội hóa. Vì chỉ có xã hội hóa mới giúp trường học có nguồn thu trả lương cho giáo viên".

DSC03732.JPG
Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh nêu ý kiến tại buổi giao ban

Đáp lại băn khoăn của các phòng GD-ĐT, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, tinh giản biên chế không phải là cắt giảm cơ học số lượng người làm việc mà là giảm nhân sự hưởng lương từ ngân sách.

"Đây là khó khăn chung của cả thành phố, đặc biệt trong bối cảnh số lượng học sinh không ngừng tăng qua mỗi năm thì phải có giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Tới đây, các đơn vị trường học sẽ tính toán xây dựng lộ trình tự chủ để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, ưu tiên những khu vực có khả năng xã hội hóa cao, trường chất lượng cao", Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.

z5374762201552_96ba5457600cd1c558002e2b9cd7f779.jpg
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi giao ban

Liên quan đến kế hoạch xây dựng Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) theo mô hình tự chủ tài chính, ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 cho biết, Trường Mầm non Vàng Anh là đơn vị được UBND quận 5 chọn để xây dựng mô hình trường tự chủ tài chính đầu tiên trên địa bàn quận. Trước đó, xuất phát điểm của trường này là mô hình bán công rồi chuyển đổi qua công lập, xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hội nhập.

Đại diện Phòng GD-ĐT quận 5 cho biết, hiện nay trên địa bàn phường 2, 3 có nhiều loại hình trường học, phụ huynh có thể lựa chọn mô hình học tập phù hợp điều kiện kinh tế của gia đình.

Tuy nhiên, theo cô Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM), việc xây dựng mô hình trường tự chủ tài chính cần thực hiện một cách bài bản hơn, xây dựng lộ trình thực hiện rõ ràng, không nên để dư luận như vậy vì sẽ khó có sự đồng thuận của phụ huynh.

Tin cùng chuyên mục