Bộ GD-ĐT khẳng định: Không quan liêu khi cộng điểm ưu tiên vào THPT cho con của người hoạt động cách mạng trước 1945

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư bổ sung vào Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Theo đó, con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 được cộng điểm ưu tiên vào THPT.

(SGGPO).– Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư bổ sung vào Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Theo đó, con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 được cộng điểm ưu tiên vào THPT.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư Bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11.2014/TT BGDĐT ngày 18-4-2014 ghi rõ bổ sung đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên là: con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-6-2014.

Ngay sau khi thông tư này ra đời đã vấp phải phản ứng của dư luận khi cho rằng, Bộ GD-ĐT đang làm chính sách theo kiểu  quan liêu, “cho có”, phi thực tế. Bởi với các đối tượng là con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.. thì còn rất ít, hoặc không có trường hợp nào thi vào THPT để mà cộng điểm.

Ngay sau khi có phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT đã có phản hồi về vấn đề này. Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT,  sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 11/201  về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT vào ngày 18-4-2014 (trong đó đã quy định các nhóm đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh), Cục Người có công thuộc Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đã có yêu cầu bổ sung các đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh theo Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 04). Cụ thể, khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh số 04 quy định: “Người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tùy từng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi sau đây:… Được ưu tiên trong tuyển sinh….”.  Khoản 4 Điều 9 Pháp lệnh số 04 quy định: “Con của người hoạt động cách mạng trước 1-1-1945 được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh này”. Khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh số 04 quy định: “Con của người hoạt động cách mạng trước 1-1-1945 được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh này”.  Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BGDĐT ngày 26-5-2014 bổ sung các đối tượng ưu tiên nói trên.

Trả lời câu hỏi, quy định này có được áp dụng cho các đối tượng là con nuôi không, ông Chuẩn cho biết, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì “thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi)”. Như vậy, con nuôi là đối tượng được hưởng ưu tiên theo quy định nói trên.

Cũng theo ông Chuẩn, tuy Bộ GD-ĐT chưa có thống kê nào về đối tượng ưu tiên là con của Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1 -1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945” đang theo học tại tất cả các bậc học, cấp học không. Tuy nhiên, “chúng tôi đã biết trên thực tế có những trường hợp thuộc các đối tượng ưu tiên nói trên nên việc quy định các đối tượng ưu tiên này vừa đảm bảo các quy định của pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tế, đảm bảo quyền được ưu tiên của mọi đối tượng chính sách”, ông Chuẩn giải thích. Đồng thời, ông Chuẩn khẳng các ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT không quan liêu, phi thực tế  khi ban hành văn bản này.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục