Giới trẻ học được gì từ YouTube?

Công nghệ số phát triển, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, đăng ký tài khoản Google là có thể vô tư đăng tải bất cứ clip nào lên YouTube để chia sẻ cho mọi người cùng xem. Chính vì thủ tục quá dễ dàng nên ngày càng nhiều chương trình trên YouTube bị đánh giá là vô bổ, nhảm nhí, tục tĩu.
Những cảnh phản cảm thường thấy trên kênh D.P thu hút hàng triệu lượt xem
Những cảnh phản cảm thường thấy trên kênh D.P thu hút hàng triệu lượt xem

Tràn ngập thông tin độc 

Ngày cuối tuần không lo chuyện học hành nên Phạm Mai Ngà, 17 tuổi (ngụ phường Cát Lái, quận 2) cùng cậu em trai đang học lớp 6 được thoải mái xài điện thoại. Thay bằng xem những chương trình bổ ích, phù hợp với lứa tuổi thì chị em Ngà lại chăm chú theo dõi clip hài nhảm. Nội dung clip là một cô gái trẻ vào vai người cho vay nặng lãi cùng hai thanh niên xăm trổ đi đòi nợ. Hai bên đối đáp qua lại bằng những câu hát có ngôn từ tục tĩu, chợ búa cùng động tác uốn éo cơ thể, khua chân múa tay… Nội dung chỉ có bấy nhiêu nhưng thu hút Ngà và em trai xem từ chiều tới tối, lướt hết clip này đến clip khác, từ hát chửi tới ví chửi rồi đọc rap chửi. Cậu em trai nhanh miệng còn học theo mấy câu rồi “diễn” lại cho chị xem, hai chị em cười ngặt nghẽo. 

Ngà khoe: “YouTube quá chừng kênh tụi em thích như Vitamin Girl, Art TV... Kênh nào coi cũng ghiền”. Vậy nhưng khi hỏi thích xem những kênh trên ở điểm gì thì Ngà ậm ừ: “Xem thấy vui vui, hài hài nên em thích. Với lại tới lớp tụi bạn em hay tám về mấy clip này, nếu không xem thì sao hiểu mà góp chuyện được”.  

Anh họ của Ngà là Nguyễn Tiến Pháp, 14 tuổi (ngụ phường An Phú, quận 2) lại là fan cuồng của D.P - một kênh YouTube với mỗi clip dài từ 15 - 20 phút theo từng chủ đề nhưng đều chung nội dung nhảm, sex… hiện đang có hàng triệu lượt xem và theo dõi. D.P có phiên bản nước ngoài từ lâu nhưng ở Việt Nam mới có khoảng vài tháng nay, nội dung xoay quanh cuộc chơi của 2 vị khách mời với trang phục sexy, thực hiện ném bóng vào ly và phải trải qua những thử thách kỳ quái như uống rượu, ăn sushi trên người, ăn kem ở những vị trí nhạy cảm, ve vuốt nhau trên ghế, thậm chí là “thực hành” những tư thế tình dục trước ống kính… Mọi câu nói, hành động đều cợt nhả, xoay quanh những nội dung tế nhị, riêng tư. Dù D.P cảnh báo là video giới hạn độ tuổi người xem nhưng chỉ cần nhấp chuột là ai cũng có thể theo dõi mà không hề phải vượt qua bất cứ một sự cản trở nào. Thậm chí lời cảnh báo trên còn được xem là “kích thích sự tò mò” để thu hút người khác vào xem. Nhờ vậy mà có những clip trên D.P thu hút tới gần 30 triệu lượt xem.

Chỉ cần một cú click chuột vào YouTube sẽ cho ra hàng ngàn kênh khác nhau, trong đó phần lớn những clip “chiêu dụ” người xem bằng những hình ảnh nhạy cảm. Ngay cả những kênh chuyên dành cho trẻ em như Siêu nhân người nhện và Nữ hoàng băng giá trên kênh Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life cũng không nằm ngoài xu hướng chạy theo nội dung nhạy cảm, những tình tiết không phù hợp với các em nhỏ. Trong khi đó, nhiều phụ huynh cứ ngỡ YouTube là lành mạnh, trẻ có thể vừa học, vừa giải trí, miễn không chơi game là được. Bởi vậy mà sự kiểm soát của gia đình chưa thực sự sát sao, thậm chí có nhiều người thấy con em mình xem YouTube là hoàn toàn yên tâm.

Chạy theo số lượng

“Hầu hết các YouTuber đều đọc được “vị” của người xem. Nếu nội dung không hay, không hài thì phải nhảm, bậy, có trai xinh, gái đẹp ăn mặc mát mẻ, không cần giỏi cũng chẳng cần duyên. Nói cho vuông là cứ sến, sốc, sex sẽ ăn tiền, đó là chiêu để lôi kéo sự tò mò của giới trẻ - lứa tuổi theo dõi YouTube nhiều nhất hiện nay. Bởi cứ nhiều người xem là thành công và kiếm được tiền, nội dung không phải là thước đo mà nhiều YouTuber quan tâm”, ChuongTV -  một YouTuber ở lĩnh vực sitcom nói.

YouTube có mặt ở nước ta hàng chục năm nay nhưng cũng là một trong những mạng xã hội mở được tự do, thoải mái về mặt nội dung sản phẩm. Nếu như các kênh truyền hình, phim ra rạp hay những kênh giải trí được đưa lên ti vi, ít nhất phải chịu sự kiểm soát của nhà đài hoặc có hội đồng thẩm định thì YouTube lại vô cùng thoải mái đăng tải những nội dung “thượng vàng hạ cám” mà việc xét duyệt còn bị buông lỏng. Thoải mái nhất là khi ai cũng có thể là chủ nhân của một kênh trên YouTube chỉ bằng vài bước click chuột rồi tha hồ “tung hoành”. Cuối năm 2017, YouTube cũng có động thái tắt chức năng kiếm tiền của một số kênh có nội dung không phù hợp, nhưng sau đó đâu lại vào đấy, giới YouTuber vẫn tìm ra đủ chiêu thức để “lách”. 

Trong khi đó, các kênh trên YouTube hiện nay cạnh tranh rất gắt bởi mỗi ngày hàng trăm kênh mới ra đời. Để giành được “thị phần” trên thị trường YouTube đòi hỏi YouTuber phải luôn có sản phẩm mới, thu hút người xem. “Những sản phẩm có nội dung, có chiều sâu, được đầu tư thường mất nhiều thời gian và trí tuệ mà cho ra ít sản phẩm, nguy cơ mất người xem khá cao, giảm thu nhập. Vì vậy hiện nay, các YouTuber chủ yếu chạy theo trào lưu sản xuất clip thiếu chuẩn mực, đôi khi là cố thêm “sạn” cốt chỉ để sản phẩm có người xem”, ChuongTV cho biết thêm. 

Bởi vậy mà ban đầu những sản phẩm “mì ăn liền” hoặc câu view bằng những trò “nóng mắt” chỉ là những biện pháp tình thế, dần dà đã trở thành “mồi ngon” để các YouTuber khai thác nhằm kích thích tò mò của người trẻ, còn những sản phẩm có nội dung hay lại thui chột dần. 

Không thể phủ nhận tiện ích của YouTube với kho tàng những chương trình học, kỹ năng sống được đầu tư công phu, chuyên nghiệp, nội dung trong sáng, hữu ích. Ngay cả những lợi thế về độ mở YouTube cũng đã tạo ra cơ hội kiếm tiền cho nhiều người. Chính sự buông lỏng quản lý như hiện nay và mục tiêu hướng đến số lượng người xem mới là yếu tố cần và đủ để một YouTuber kiếm tiền nên YouTube đang là con dao hai lưỡi ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ.

Tin cùng chuyên mục