"Hậu duệ” của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng

"Hậu duệ” của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng

Tháng 6-2008, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) tổ chức trao 80 suất học bổng với tổng trị giá 234 triệu đồng cho các sinh viên, học sinh trung học ngành y, các bác sĩ vùng sâu, vùng xa và nữ hộ sinh thôn bản.

Đây cũng là năm đầu tiên Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng quyết định trao học bổng toàn khóa (suốt 6 năm học) cho 10 sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với sự tài trợ của gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc.

Để phần nào đánh giá sự phát triển và hiệu quả hoạt động của Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, chúng tôi tìm gặp 2 trong số 5 sinh viên của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được nhận học bổng toàn khóa này.

"Hậu duệ” của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng ảnh 1

Hai bạn Cao Thị Lan Hương (phải) và Võ Hồng Vân Anh đã nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng 2008.

Vừa nhìn thấy tôi, Cao Thị Lan Hương, sinh viên lớp Y2007, đã hào hứng khoe ngay thành tích học tập năm học vừa qua với số điểm trung bình 8,33.

Hương tâm sự, với số tiền được nhận từ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, ba mẹ đã quyết định giành toàn bộ thời gian của em cho việc học, mọi chi phí còn lại để trang trải cho sách vở, cho cuộc sống, gia đình sẽ cố gắng xoay xở bằng đồng lương công nhân của ba và khả năng buôn bán của mẹ.

Lan Hương khẳng định, học bổng toàn khóa của Báo SGGP và Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng không hề làm em chủ quan mà ngược lại, còn là động lực thúc đẩy và bồi đắp thêm quyết tâm học tập thành tài.

Cuối câu chuyện, Lan Hương ngập ngừng thổ lộ rằng, em vui mừng vì kết quả học tập của mình, mừng hơn nữa vì đã nhận được sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời để có thể đi đúng hướng và thỏa lòng đam mê của mình.

Cũng vì vậy mà em mong muốn được gặp mặt và tỏ lòng tri ân đến lãnh đạo Báo SGGP, đến ban Quản lý Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, đã tạo điều kiện cho em thực hiện được niềm ao ước học tập và tìm hiểu công việc đầy ý nghĩa của người thầy thuốc.

Khác với vẻ nhanh nhẹn và cởi mở của Lan Hương, Võ Hồng Vân Anh là một cô bé có vẻ rụt rè, nhút nhát. Khi tôi đề cập đến tài chính để chuẩn bị cho 6 năm em theo học ngành y, ngành học tương đối nặng và tốn kém nhất hiện nay, Vân Anh cho biết, quả thật kinh tế gia đình em rất khó khăn, thậm chí không có cách gì để lên kế hoạch cho suốt chặng đường dài học tập chỉ từ nguồn thu nhập sửa xe và bán thuốc lá lẻ của ba mẹ.

Ngay từ năm học lớp 12, Vân Anh đã nhận dạy kèm với mức lương 350.000đ mỗi tháng nhằm mục đích dành dụm đóng học phí bậc đại học. Tuy nhiên, số tiền đó hiện không thể đủ để trang trải chi phí đi lại và mua sách vở vốn rất nhiều và rất đắt tiền để phục vụ cho ngành học của mình.

Vì vậy mà em đã rất vui mừng và xúc động khi được chọn nhận học bổng toàn khóa từ Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Vân Anh đã đáp lại lòng tin cậy của thầy cô và các mạnh thường quân bằng kết quả học tập của mình.

Đây là lớp sinh viên đầu tiên được nhận học bổng toàn khóa, chặng đường phía trước còn rất dài và khó khăn. Dù vậy, bằng sự quyết tâm được nhìn thấy rõ trong ánh mắt, lời nói của các em, cùng với sự động viên, hỗ trợ của các đơn vị tài trợ, các mạnh thường quân, những người đã chung tay xây dựng và phát triển Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng từ những ngày đầu thành lập, tin chắc rằng các em sẽ không phụ lòng mong mỏi và kỳ vọng của những tấm lòng tâm huyết với thế hệ trẻ ngành y.

Sau 11 năm thành lập từ ý nguyện và đóng góp đầu tiên của cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã nhận được 2,5 tỷ đồng ủng hộ.

Thay mặt Hội đồng Quản lý quỹ, xin chân thành cảm ơn sự đóng góp thường xuyên của các cá nhân, đơn vị như bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bà Nguyễn Kim Sâm, ông Huỳnh Văn Tốt, ông Đỗ Hữu Lộc, bà Trịnh Thị Hiền, bà Ngô Thị Hồng Hoa, BV Phụ sản Từ Dũ, BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Công ty Zuellig Pharma, Nha khoa thẩm mỹ Châu Á, BV Đa khoa Tư nhân Triều An, BV Đa khoa Hoàn Mỹ, gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc, tập thể nữ Phòng kế toán Tổng Công ty VLXD số 1…

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục