Từ hội thảo “Nông dân làm gì để hội nhập kinh tế”

Vẫn loay hoay trước cửa WTO

Vẫn loay hoay trước cửa WTO

Sáng 15-8-2006, tại TP Cần Thơ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nông dân làm gì để hội nhập kinh tế?”. Nhiều vấn đề được đặt ra từ hội thảo, nhưng tựu trung vấn đề lớn nhất đến thời điểm này là nông dân ĐBSCL vẫn chưa biết phải làm gì, trong khi hội nhập đã cận kề.

  • Loay hoay trước cửa WTO

Cơ hội và thách thức là 2 vấn đề được nhắc đi nhắc lại tại hội thảo này, dù phát biểu đề dẫn, ông Lê Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung vào 4 vấn đề chính: chất lượng hàng hóa nông sản, cây ăn trái, thủy sản và vấn đề thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam.

Suốt 1 ngày hội thảo, gần 20 tham luận tập trung xoay quanh các vấn đề: xây dựng thương hiệu; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức và tay nghề cho nông dân. Thế nhưng, các tham luận chỉ mang tính kêu gọi chung chung, nhắc lại những chuyện cũ, chưa đề ra được giải pháp nào cụ thể trong xu thế mới. những vấn đề cốt lõi, thiết thực nhất của nông dân vẫn chưa được bàn thảo đến một cách hệ thống.

Vẫn loay hoay trước cửa WTO ảnh 1
Nông dân vùng ĐBSCL sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Ảnh: THÀNH TÂM

Nghèo khó, thiếu kiến thức là vấn đề của nông dân ĐBSCL trước thềm hội nhập. Đến thời điểm này, ĐBSCL có số hộ nghèo chiếm gần 20% cả nước. GS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng: “Có một bất công đang tồn tại ở ĐBSCL, giữa hai thái cực “đóng góp” và “thụ hưởng”.

Cụ thể là đóng góp 17% GDP cho cả nước; 92% sản lượng lương thực, 66% thủy sản, nhưng đổi lại ĐBSCL đã được gì? Phải chăng là con số 10% trên độ tuổi còn bị mù và tái mù chữ hay 80% dân số chưa qua đào tạo? TS Đào Công Tiến bức xúc: phải chăng vì vậy mà người dân trong vùng còn “gởi gắm may mắn” vào số đề, số đuôi? Nếu lấy thu nhập bình quân 30 triệu đồng/ha, 30% lợi nhuận tương ứng 8,4 triệu đồng.

Một gia đình 4 nhân khẩu đem chia cho 12 tháng, thì thu nhập đầu người chỉ ở mức 175.000đ/tháng, nghĩa là thuộc diện nghèo so với chuẩn tính hiện nay. Bài toán này được TS Trần Thượng Tuấn – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đưa ra làm không ít người giật mình. Nếu dịch bệnh, thiên tai xảy ra, đời sống người nông dân còn bi đát hơn.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: Khó khăn đối với ĐBSCL là nhân lên chứ không phải con số cộng. Ông Nhị đưa ra ví dụ: hai năm qua, giá lúa vẫn đứng ở mức 2.400đ/kg, trong khi đó giá xăng dầu đã tăng gấp 2 lần, giá phân bón tăng cũng không kém. Nông dân phất lên làm giàu đếm trên đầu ngón tay. 20 năm đổi mới, mặc dù nông nghiệp ĐBSCL đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng mô hình CNH-HĐH cho ĐBSCL là gì, làm thế nào để ĐBSCL bước vào hội nhập với một thể trạng như vậy thì đến giờ vẫn chưa ai trả lời được.

  • Nông dân đang lo nghĩ gì?

Vẫn loay hoay trước cửa WTO ảnh 2
Sản xuất lúa xuất khẩu, nhưng nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn chưa thoát nghèo. Ảnh: T.M.T.

Trước thời điểm hội thảo “Nông dân làm gì để hội nhập kinh tế” diễn ra, tại TP Cần Thơ, nhiều cuộc gặp gỡ bàn tròn giữa doanh nghiệp và nông dân cũng đã được một số cơ quan báo, đài tổ chức. Tâm lý lo ngại là điều dễ nhận thấy nhất.

Anh Đỗ Quý Hạo, nhà vườn chuyên trồng khoai lang với quy mô lớn ở Kiên Giang, có cả một phòng nghiên cứu riêng về giống, cũng than thở: “Tôi có khả năng cung ứng sản phẩm theo hợp đồng lớn, đảm bảo đúng thời gian, sản lượng và chất lượng. Nhưng cái khó hiện nay là vẫn phải bán hàng qua thương lái, chưa thể chủ động trong tiêu thụ sản phẩm.

Tôi đã từng tìm khách hàng ở Nhật để xuất khẩu khoai lang, nhưng những khách hàng này cũng không đồng ý ký hợp đồng trước. Mới đây, Saigon Co.op đã đặt vấn đề với tôi cung cấp khoai lang vào hệ thống siêu thị này, nhưng với số lượng chỉ khoảng vài tấn/ngày. Trong khi đó, tôi lại có thể cung cấp với số lượng tối thiểu 10 tấn/ngày”.

Quả thật, nhu cầu liên kết sản xuất, buôn bán của nông dân là thực sự cần thiết, nhưng chưa nơi nào đáp ứng được. Nhưng không chỉ có vậy, nhu cầu thông tin, giá cả thị trường, nhu cầu hỗ trợ bán hàng, công nghệ bảo quản sản phẩm, bao bì... cũng là những vấn đề tối cần thiết. Ông Lê Thành Bé, Chủ nhiệm HTX Tân Mỹ Hưng, Phú Tân, An Giang cho rằng: “Ngay cả khi nông dân vào HTX rồi vẫn khó khăn. Do vậy, rất cần sự liên kết với các doanh nghiệp để nhận diện thị trường, tìm kênh phân phối, chứ không chỉ đơn thuần nông dân có đất, có nhà máy xay xát, vào HTX nhưng rồi sản xuất chủ yếu cũng chỉ là gia công cho các doanh nghiệp khác mà thôi”.

Nông dân cần làm gì để hội nhập kinh tế là vấn đề lớn. Với những nông dân có thể gọi là tiêu biểu ở ĐBSCL, bài toán hội nhập đặt ra trước mắt họ còn chưa có lời giải, huống hồ hàng triệu hộ nông dân nghèo khó, sản xuất manh mún khác. Họ đang rất cần được hỗ trợ cụ thể chứ không phải là những lời kêu gọi chung chung. 

M.TRƯỜNG – C.PHONG

Thông tin liên quan

Làm gì để nông dân ĐBSCL giàu lên?  

Tin cùng chuyên mục