Làm gì để nông dân ĐBSCL giàu lên?

Làm gì để nông dân ĐBSCL giàu lên?

Trong một diễn biến khác, bàn tròn “làm gì để nông dân ĐBSCL giàu lên” do Trường ĐH An Giang phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 11-8 tại Cần Thơ đã quy tụ nhiều ý kiến thiết thực về sự phát triển của ĐBSCL. Sau đây là lược ghi của PV Báo SGGP.

  • GS-TS BÙI CHÍ BỬU, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL: Đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp quá ít
Làm gì để nông dân ĐBSCL giàu lên? ảnh 1

Dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá gây hại trên 2% diện tích trồng lúa. Nếu diện tích bị thiệt hại đến 10% thì ĐBSCL không thể xuất khẩu gạo; khi mức thiệt hại lên đến 30% diện tích sản xuất lúa thì Việt Nam phải... nhập khẩu gạo.

Vậy mà, cả nước có 27 trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp thì ĐBSCL chỉ có 2 cơ sở, số còn lại tập trung ở đồng bằng sông Hồng. Đã vậy, hàng năm các tỉnh, thành ở ĐBSCL chỉ dành ra 2% trong tổng chi ngân sách của địa phương cho nông nghiệp. Và như vậy, người nông dân tiếp tục phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

  • TS ĐÀO CÔNG TIẾN, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM: Phải tôn trọng những phản biện xã hội
Làm gì để nông dân ĐBSCL giàu lên? ảnh 2

Ngoài những yếu kém về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực..., quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL còn gặp một trở lực khác là tính cục bộ địa phương thể hiện trong việc đầu tư dàn trải, sản xuất manh mún. Trung ương cần sớm điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Quy hoạch này phải được công khai minh bạch và tôn trọng những phản biện khoa học, phản biện xã hội. Khi có quy hoạch tốt, nguồn vốn đầu tư sẽ đúng mục tiêu, đúng trọng điểm, hạn chế được thất thoát và tiêu cực bởi cơ chế xin-cho.

  • GS-TS TRẦN THƯỢNG TUẤN, cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Nói phải đi đôi với làm
Làm gì để nông dân ĐBSCL giàu lên? ảnh 3

Nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước dành cho vùng ĐBSCL trong thời gian qua chưa được các bộ, ngành trung ương quan tâm thực hiện đến nơi đến chốn. Để giúp ĐBSCL tận dụng tốt các vận hội phát triển, các cơ quan chức năng có liên quan cần thực hiện tốt phương châm “lời nói phải đi đôi với việc làm”, sớm đưa các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng ĐBSCL vào thực tế cuộc sống.

  • GS-TS VÕ TÒNG XUÂN: Nên tổ chức nông dân thành cụm liên kết
Làm gì để nông dân ĐBSCL giàu lên? ảnh 4

Cần nhận thức rằng: dịch vụ cho nông dân phải nhằm mục đích tối hậu là vừa giúp cho nông dân đạt trình độ kỹ thuật cao nhất trong ngành để đạt năng suất tối ưu với cây trồng và vật nuôi. Mỗi vùng cần tổ chức nông dân thành cụm liên kết hoặc liên hợp tác xã, phù hợp với tổng thể của vùng. Chấm dứt tình trạng nông dân cá thể, hoặc mạnh ai nấy lo. Gắn với mỗi vùng, nên ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến hoặc sơ chế nông sản; có cơ chế cho người nông dân tham gia vốn vào nhà máy. Phải thấy rằng cụm sản xuất là loại hình doanh nghiệp của người nghèo.

  • Ông NGUYỄN MINH NHỊ, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Phải thoát khỏi “dĩ nông vi bản”
Làm gì để nông dân ĐBSCL giàu lên? ảnh 5

Với người nông dân ĐBSCL, tư tưởng sống trên mảnh đất này, làm giàu trên mảnh đất này còn ăn sâu trong tiềm thức. Một gia đình có 2ha đất, 5 người con, chia ra chẳng còn bao nhiêu, làm sao sản xuất. Ngay từ sau đổi mới, chính sách của chúng ta đã có sai lầm, đó là lấy nông nghiệp giải quyết nông nghiệp.

Đầu tư cho ĐBSCL cũng vậy, tôi có cảm giác giống như hốt thuốc nam, cứ rải mành mành. Tôi nói chưa chắc đầu tư quá nhiều cho thủy lợi là đúng, mà phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, xương sống của nền kinh tế. Cầu, đường, sân bay, bến cảng không dính tới nông nghiệp, nhưng nó là đòn bẩy cho nông nghiệp. Theo tôi, phải có quan điểm đúng về vai trò của ĐBSCL với cả nước và cả nước với ĐBSCL, nhằm tránh những suy nghĩ cục bộ. 

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục