TS Cao Sỹ Kiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: Ba việc cần làm

* TS CAO SỸ KIÊM:
TS Cao Sỹ Kiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: Ba việc cần làm

* Ông nhận định gì về kinh tế Việt Nam năm 2009?

* TS CAO SỸ KIÊM: 2009 là một năm khó khăn nhất nhưng vẫn là năm thành công của kinh tế Việt Nam. 2 mục tiêu quan trọng nhất: GDP và lạm phát đều đạt được. Nguyên nhân thành công ở đâu? Chủ yếu là do điều hành, từ chống lạm phát sang chống giảm phát với hệ thống giải pháp rất đồng bộ, sát với tình hình Việt Nam. Chúng ta cũng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của dân, của doanh nghiệp để lãnh đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp, có điều chỉnh, bổ sung liên tục.

TS Cao Sỹ Kiêm

TS Cao Sỹ Kiêm

* Bước sang năm 2010, theo ông đâu là thách thức lớn nhất?

* Tất cả các mặt đều phát triển nhưng chưa bền vững, cân đối vĩ mô chưa ổn định, bội chi ngân sách còn cao, nhập siêu lớn… Đó là tiềm ẩn, là mầm mống cho lạm phát trở lại. Mặt khác, việc chậm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc cũng là những thách thức lớn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thấy những thuận lợi. Việt Nam vẫn là nơi có sức hút về đầu tư, xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Mặt khác, kinh tế thế giới và Việt Nam đều sẽ cấu trúc lại, đó là cơ hội để phát triển.

* Thưa ông, phải làm gì để năm 2010 chúng ta có thể cập bến thành công?

* Năm 2010, dứt khoát phải làm được 3 việc: phục hồi kinh tế nhanh, GDP không nên chỉ dừng ở 6,5% mà có thể cao hơn; chặn được lạm phát và hội nhập kinh tế phù hợp. Muốn thế, phải chuyển cơ cấu kinh tế nhanh, nâng sức cạnh tranh cho cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Bội chi ngân sách phải giảm xuống nữa, thâm hụt và nhập siêu ít đi. Song song, phải tập trung nhiều cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời, phải tạo bước chuyển mới về thủ tục hành chính, tạo sự hài hòa giữa tăng trưởng và an sinh, môi trường.

Rút kinh nghiệm từ năm 2009, năm 2010 phải cụ thể hóa thật nhanh các chủ trương, chính sách, nhất là đối với việc tái cấu trúc nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ cũng cần linh hoạt hơn, để vừa chặn được lạm phát vừa kích được tăng trưởng.

* Xin cảm ơn ông. 

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục