Phòng thuốc từ thiện tại Campuchia

Một tấm lòng vì bà con Việt kiều nghèo

Một tấm lòng vì bà con Việt kiều nghèo

Trong những ngày dông bão triền miên hay thời tiết thay đổi bất thường, đại đa số cư dân lao động nghèo người Việt sinh sống tại huyện Mean chey (Phnom Penh) nếu có người bị bệnh, chỉ uống thuốc cầm chừng cho qua khỏi bệnh, không có tiền để đến phòng khám.

Thấy tình cảnh đồng bào như vậy, anh Nguyễn Ngọc Hùng (Chu Kim Hùng) ở Bưng Prolich, xã Prek Pra, huyện Mean chey, TP Phnom Penh vận động gia đình và bạn bè, đầu tư mở phòng khám bệnh từ thiện. Anh về Việt Nam lặn lội tìm những lương y, mời họ đến Campuchia giúp như các lương y: Dương Út Em, Vương Ngươn, Trần Thị Hường, Đạo tràng phật tử Thuần Thành Ngọc Chiếu, Bùi Minh Nghĩa… Anh cũng tìm một số thuốc nam, thuốc bắc từ Việt Nam sang.

Một tấm lòng vì bà con Việt kiều nghèo ảnh 1

Người dân đang chờ khám bệnh tại phòng khám từ thiện.

Ngày 6-11-2008, phòng khám bệnh từ thiện của anh vừa mở khai trương đã tiếp nhận đến 70 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh. Người bệnh (đa số bà con người Việt) ngày càng đông, lượng thuốc cạn dần.

Nghe ở Xam Pong Thum, rừng có nhiều loại thảo dược, anh lại lên rừng tìm nguồn thuốc bổ sung. Bạn bè thân thích ái ngại về lâu dài khả năng tài chính của anh và gia đình không đáp ứng nổi, khuyên anh nên để thùng từ thiện kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người, của “ít lòng nhiều”.

Anh chỉ khẽ lắc đầu nói: “Các anh chị thấy đó, cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Campuchia nghèo, rất nghèo. Có hai mẹ con của một cư dân người Việt sinh sống tại Biển Hồ, trong cơn đói lả cố tìm cái gì đó để mà ăn.

Trên đường, gặp một tổ ong đất, nghĩ là có mật, người mẹ phá tổ ong, định lấy mật lót lòng khi đói. Chẳng may ong tấn công đốt người phụ nữ hơn 300 mũi và đứa bé trên 80 mũi. Mình mẩy đầy thương tích, người phụ nữ cố chèo xuồng về đến nhà, kịp thắp nhang cho người chồng quá cố, rồi người phụ nữ và đứa bé ngã lăn ra chết”. Nói xong, anh lau dòng nước mắt rồi tiếp: “Phải chi có một phép mầu để cứu họ. Trong cơn nghèo đói, cái ăn không đủ thì lấy đâu ra tiền để trị bệnh, nói chi đến quyên góp. Tôi sẽ cố gắng hết sức để phòng khám từ thiện đầy đủ vật lực, tài lực và trụ vững vì cộng đồng”.

Mặc dù anh không cho tôi viết bài, nhưng qua sổ sách và mấy ngày ở tại phòng khám từ thiện số N 24A Bưng Prolich, xã Prek Pra, huyện Mean chey, (dưới chân cầu Sài Gòn) TP Phnom Penh, tôi nhận thấy đến nay đã trên 1.000 người đến đây khám và chữa bệnh. Thông qua bài viết này, tôi mong mỏi tấm lòng hảo tâm, từ thiện của người dân trong nước, “của ít lòng nhiều” đóng góp vì cộng đồng người Việt tại Campuchia. 

NGUYỄN THANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục