Học bổng “Tiếp bước Quang Trung”

Đó là tên gọi quỹ học bổng học sinh gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn, do các cựu học sinh Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) sáng lập. Tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, giờ đây Quỹ học bổng “Tiếp bước Quang Trung” đã trở thành biểu tượng truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết của trường.
Học bổng “Tiếp bước Quang Trung”

Đó là tên gọi quỹ học bổng học sinh gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn, do các cựu học sinh Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) sáng lập. Tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, giờ đây Quỹ học bổng “Tiếp bước Quang Trung” đã trở thành biểu tượng truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết của trường.

Qua 4 năm hoạt động, Quỹ Tiếp bước Quang Trung đã tiếp sức nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn của trường có thêm điều kiện vượt khó, tiếp tục học tập. Là một trong những người sáng lập quỹ, chị Thiệu Oanh Oanh (niên khóa 1988-1992) kể: “Lúc đầu tôi và nhóm bạn học cũ trong “Hội Quang Trung trường xưa” kêu gọi các cựu học sinh khác cùng khóa giúp học sinh của trường, rồi từ phong trào đó, Quỹ Tiếp bước Quang Trung đã ra đời”. Mỗi người một công việc nhưng hàng năm, cứ gần đến ngày khai giảng năm học, Ban điều hành Quỹ lại tất tả lo chuẩn bị học bổng với hy vọng số tiền nhận được sẽ phần nào giúp các em trang trải học phí và sách vở đầu năm học.

Học sinh vượt khó học giỏi của Trường THCS Quang Trung nhận học bổng.

Nói về Quỹ “Tiếp bước Quang Trung” và các học trò cũ của mình, cô Đỗ Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (Gò Vấp) rất vui, xúc động và cả sự tự hào về bao lớp học sinh trưởng thành trong sự nghiệp trồng người của mình. Gắn bó với trường từ những ngày đầu tiên bước vào nghề giáo, biết bao thế hệ học trò đã được cô cùng đội ngũ thầy cô giáo của trường dìu dắt. Các em ra trường, trưởng thành, mỗi người mỗi ngả; có người ở rất xa thành phố nhưng vẫn nhớ về trường xưa lớp cũ và không quên giúp đỡ thế hệ đàn em hoàn cảnh khó khăn. Cô Thanh Thúy tâm sự: “Bốn năm hoạt động, Quỹ đã giúp rất nhiều học sinh nghèo. Ban điều hành quỹ là những học trò cũ của tôi, các em giờ làm đủ ngành nghề: luật sư, giáo viên, kỹ sư…, nhiều em còn nắm giữ chức vụ cao trong xã hội. Tôi rất hạnh phúc khi thấy học trò mình thành công như vậy. Thành công ở đây không phải chỉ là có chức quyền cao mà là tấm lòng của các em. Các em đã không quên truyền thống tương thân tương ái của trường và đóng góp cho xã hội. Đó là điều mà những người làm giáo dục như chúng tôi mong đợi nhất”.

Tinh thần sẻ chia, đoàn kết của các anh chị cựu học sinh là tấm gương sáng cho các lứa học sinh sau này. “Chỉ còn mấy ngày nữa là tụi em chính thức chia tay trường rồi. Sau này ra trường, có đi đâu, em và các bạn sẽ không bao giờ quên thầy cô và những kỷ niệm bạn bè. Tụi em sẽ về lại trường, sẽ giúp đỡ các em khóa sau như các anh chị các khóa trước đã làm”, em Trần Đan Khanh (lớp 9/8) chia sẻ. Một thế hệ học trò nữa lại ra trường. Hành trang tương lai của các em, không chỉ là những kiến thức thầy cô đã tận tình chỉ dạy suốt bốn năm qua, mà còn là tình cảm thầy trò, là truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ Trường THCS Quang Trung đã góp sức xây dựng.

Trang Nhịp cầu nhân ái ngày 9-8-2012 đăng bài viết về thầy giáo Trần Văn Triệu (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM) cô đơn trong bệnh tật ở tuổi xế chiều (thầy sống độc thân, không vợ con). Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc gửi tiền giúp thầy chữa bệnh. Báo SGGP cũng đã chuyển đến thầy 5 đợt với tổng số tiền 29.050.000 đồng. Do tuổi cao, sức yếu kèm theo nhiều bệnh nan y nên thầy Triệu đã qua đời. Tuy nhiên, hàng tháng bạn đọc Phạm Ngọc Tân (không để lại địa chỉ) vẫn đều đặn chuyển tiền vào tài khoản của Báo SGGP giúp thầy Triệu. Tính đến 25-5, tổng số tiền anh Tân gửi giúp thầy Triệu còn tồn 11,3 triệu đồng. Báo SGGP đã liên hệ với Ban giám hiệu Trường THCS Quang Trung và bàn bạc thống nhất sử dụng số tiền này giúp học sinh nghèo của trường.

Sáng 25-5, nhân lễ bế giảng năm học 2014-2015 của Trường THCS Quang Trung, Gò Vấp, đại diện Báo SGGP đã trao 10 học bổng (1 triệu đồng/phần) giúp các em học sinh vượt khó học giỏi của trường, trích từ nguồn tiền trên. Số tiền còn lại (1,3 triệu đồng) được gửi vào Quỹ khuyến học của nhà trường.  

BẢO UYÊN

Tin cùng chuyên mục