Nỗi lo từ rút vốn

Lâu nay, những quỹ đầu tư lớn đã giúp các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh chóng, nhưng giờ đây chính các quỹ đó đang vội vã rút khỏi các nền kinh tế này.

Lâu nay, những quỹ đầu tư lớn đã giúp các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh chóng, nhưng giờ đây chính các quỹ đó đang vội vã rút khỏi các nền kinh tế này.

Theo báo New York Times số ra ngày 22-8, chỉ trong những ngày cuối tuần qua, các nhà đầu tư đã rút 2,5 tỷ USD từ các quỹ trái phiếu ở những thị trường mới nổi, trở thành đợt rút mạnh nhất kể từ tháng 1-2014. Có nhiều nguyên nhân, song quan trọng nhất là do lo ngại từ nền kinh tế Trung Quốc, vốn được xem là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, các quỹ đầu tư đã bán trái phiếu một cách hoảng loạn, nhất là với các trái phiếu nguy cơ cao, không chỉ ở Trung Quốc mà trên khắp thế giới, dẫn đến thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh. Việc Trung Quốc phá giá tiền tệ gây lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này và buộc nhiều nền kinh tế khác nối gót. Theo giáo sư Dani Rodrik, Trường Havard Kennedy của Chính phủ Mỹ: “Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đã bị phóng đại quá mức”. Giáo sư Rodrik là người từng nghiên cứu tác động của vốn nước ngoài chảy vào các nền kinh tế đang phát triển.

Việc các quỹ hỗ tương rút vốn khỏi những nền kinh tế mới nổi còn gây lo ngại đến khả năng các nhà đầu tư cá nhân rút tiền khỏi các quỹ này. Mặc dù các quỹ này không sử dụng tiền vay như kiểu các ngân hàng từng gặp phải trong cuộc khủng hoảng thế chấp nhưng họ đã đầu tư một khoản tiền lớn trong các trái phiếu dài hạn. Vấn đề là không phải dễ dàng để bán đi các trái phiếu giá trị lớn trong một sớm một chiều. Hơn nữa, nếu các nhà đầu tư góp vốn vào các quỹ này yêu cầu các quỹ phải hoàn trả tiền cùng một lúc - như đã xảy ra trong năm 2008, áp lực sẽ đè nặng lên các ngân hàng để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Vào tháng 1, các nhà kinh tế tại Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) công bố một nghiên cứu cho thấy các khoản cho vay bằng USD tăng nhanh với các công ty và các quốc gia bên ngoài Mỹ, tăng gấp đôi lên 9.000 tỷ USD so với thời gian khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Những khoản cho vay này đều xuất phát từ các quỹ hỗ tương ở Mỹ mua trái phiếu tại các nền kinh tế mới nổi phát hành. Các quỹ lớn như BlackRock, Franklin Templeton và Pimco tràn ngập tiền của nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào các trái phiếu giá trị lớn của các tập đoàn tại các nền kinh tế mới nổi. Những tập đoàn hưởng lợi nhất trong việc phát hành trái phiếu này là tập các đoàn dầu khí Petrobras (Brazil), Pemex (Mexico), Gazprom (Nga) và các tập đoàn bất động sản ở Trung Quốc.

Brazil, Trung Quốc, Malaysia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác đã phát hành và bán được hơn 2.000 tỷ USD trái phiếu, chủ yếu là cho các quỹ hỗ tương của Mỹ, kể từ năm 2009. Bây giờ, điều ngược lại đang xảy ra, do nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. BIS đã cảnh báo về những hậu quả nếu các nhà đầu tư bán trái phiếu một cách hoảng loạn sẽ tạo nên làn sóng khó kiểm soát và hậu quả với kinh tế toàn cầu là điều không tránh khỏi. Có hay không việc lịch sử của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bắt đầu từ việc rút vốn ồ ạt đang được viết lại trên quy mô toàn cầu?


THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục