Pháp: Cuộc so kè cuối cùng

Vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp đang trong giai đoạn nước rút, khi hai ứng cử viên là ông Emmanuel Macron theo đường lối trung dung và bà Marine Le Pen theo cực hữu, hoàn tất cuộc tranh luận cuối cùng được truyền hình trực tiếp hôm 3-5, chỉ 4 ngày trước khi cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu chọn chủ nhân mới của điện Elysee ngày 7-5 tới. 
Trong 150 phút tranh luận, hai ứng cử viên Macron và Le Pen đã bộc lộ những quan điểm trái ngược nhau về tất cả các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đối nội như kinh tế, chống khủng bố... đến đối ngoại như điều chỉnh quan hệ với châu Âu, Mỹ và Nga. Sau phần mở đầu, đi vào từng vấn đề cụ thể, ông Macron đã tự tin trả lời các câu hỏi của phóng viên, phân tích và giải thích rõ ràng các đề xuất có tính khả thi của mình. Về các giải pháp cho thị trường lao động, ông cho rằng cần tạo cơ chế uyển chuyển và tăng khả năng thương lượng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp … Về các vấn đề an ninh và chống khủng bố, ông Macron đề xuất tăng thêm 10.000 vị trí trong lực lượng cảnh sát và hiến binh, đồng thời tăng cường trang thiết bị để các lực lượng này có thể hoàn thành nhiệm vụ. 

Bà Le Pen lại đưa ra những hứa hẹn về tăng trợ cấp xã hội, giảm giá một số mặt hàng thiết yếu, giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống 60. Bà vẫn giữ tư tưởng cực hữu bài ngoại, phản đối nhập cư, phản đối tự do thương mại. Bà tuyên bố muốn thay thế Liên minh châu Âu (EU) bằng một “liên minh các quốc gia châu Âu tự do và có chủ quyền”, theo đó các quốc gia tự định đoạt tương lai của mình, kiểm soát biên giới và có đồng tiền riêng phù hợp với nền kinh tế để tránh tình trạng thất nghiệp cao. Nhìn chung, ngoài các phát biểu tấn công cá nhân, cuộc tranh luận của 2 ứng viên ít đi vào chiều sâu của chương trình tranh cử. Nhiều cư dân mạng viết trên Twitter đã bày tỏ thái độ thất vọng về nội dung tranh luận. Một cuộc khảo sát nhanh ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận cho thấy 63% người được hỏi cho rằng ông Macron đã có phần thể hiện thuyết phục hơn bà Le Pen, trong khi chỉ có 34% bày tỏ hài lòng với nữ ứng cử viên này. 

Dù vậy dư luận Pháp vẫn có 2 luồng ý kiến trái ngược của các chuyên gia và chính khách về 2 ứng viên đối nghịch nhau về mọi mặt này. Đài truyền hình BFMTV ghi nhận hầu hết các nhà nghiên cứu chính trị và chuyên gia thăm dò dư luận khẳng định cuộc tranh luận khó thay đổi tương quan lực lượng. Chuyên gia Christian Delporte cho rằng thực ra cuộc tranh luận chỉ như “màn trình diễn đấm bốc” do đài truyền hình đạo diễn nhằm động viên cử tri trước ngày bầu cử. Tiến sĩ Gael Villeneuve ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cũng cho rằng cuộc tranh luận đối đầu giữa hai vòng bầu cử tổng thống là lúc ứng cử viên chứng tỏ bản lĩnh chứ không phải lúc cử tri đưa ra quyết định chọn lựa ứng cử viên nào.

Phía bên các chính khách, Tổng thống sắp mãn nhiệm Francois Hollande và nhiều thành viên chính phủ Pháp cho rằng các cuộc tranh luận truyền hình vừa qua dường như đang làm thay đổi nhanh chóng dư luận Pháp và cảnh báo về nguy cơ bà Le Pen thắng cử, với khoảng 1/3 số cử tri dự kiến bỏ phiếu trắng. Thậm chí, ngay cả ứng viên Macron cũng tỏ ý lo ngại kết quả cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng do tỷ lệ cử tri đi bầu thấp và khả năng nhiều cử tri bỏ phiếu trắng.

Tin cùng chuyên mục