“Bầu” Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù

“Bầu” Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù

Ngày 27-5, sau một tuần thẩm vấn xét hỏi các bị cáo, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TPHCM và Hà Nội đã chuyển sang phần tranh tụng. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
 
Bản luận tội các bị cáo nêu rõ, việc VKSND tối cao truy tố Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm về 4 tội danh (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng) là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong 3 tội danh bị truy tố “Kinh doanh trái phép”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế” đều là người chủ mưu, chủ đạo, giữ vai trò chính, với số tiền đặc biệt lớn. 
 
Đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét tuyên phạt các bị cáo, như sau: Nguyễn Đức Kiên từ 18 - 24 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”; 14 - 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 16 - 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 4-5 năm tù về tội “Trốn thuế”. Tổng hợp mức hình phạt là 30 năm tù giam. Hai bị cáo cùng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là Trần Ngọc Thanh (giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) 19 năm tù và Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội ) 7 - 8 năm tù.

“Bầu” Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù ảnh 1

"Bầu" Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù

Đối với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” các bị cáo: Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch ACB) 7 - 8 năm tù, Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch ACB) 6 - 7 năm tù; Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) 12 - 14 năm tù; Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch ACB) 3 năm tù cho hưởng án treo và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB) 3 năm tù cho hưởng án treo.

Ngay sau khi đại diện VKS kết thúc phần luận tội, các luật sư đã được HĐXX cho phép bào chữa cho các bị cáo, với nhiều ý kiến cho rằng bản luận tội đã đưa ra mức án quá nặng đối với một số bị cáo. Luật sư Ngô Huy Ngọc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bày tỏ sự không đồng tình với cáo buộc trong phần luận tội của đại diện VKS vì cho rằng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần thép Hòa Phát chỉ là giao dịch dân sự thông thường. Luật sư Ngọc cũng đưa ra một số dẫn chứng như hoàn toàn không có ký khống nghị quyết và văn bản cuộc họp HĐQT của ACBI liên quan tới việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phần trên nên việc cáo buộc bầu Kiên họp khống, lập khống văn bản là suy diễn và chưa chính xác.

Cũng bào chữa cho “bầu” Kiên, luật sư Bùi Quang Nghiêm lập luận, bị cáo Kiên không phạm tội kinh doanh trái phép như truy tố. Theo luật sư Nghiêm, việc kết tội bị cáo Kiên liên quan đến kinh doanh trái phép không những trái pháp luật mà còn đe dọa tính an toàn pháp lý của những người đang ra lệnh mua bán cổ phần, cổ phiếu.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh bào chữa cho bị cáo Phạm Ngọc Thanh cho rằng mức án đề nghị của VKS đối với bị cáo Thanh là quá nặng so với hành vi sai phạm. Theo luật sư Thanh, bị cáo Thanh không phạm tội lừa đảo mà chỉ mắc sai sót trong quá trình cùng với “bầu” Kiên và Nguyễn Thị Hải Yến thực hiện hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần thép Hòa Phát. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện vụ làm ăn này, Thanh không lừa dối, không được ăn chia và cũng chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo của Kiên.

Luật sư Phạm Thanh Phong bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng thân chủ của mình không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi theo luật sư Phong, Yến chỉ là người làm công ăn lương, không có hành vi gian dối, không có hành vi chiếm đoạt và Yến buộc phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty là Kiên.

 
 

Trước đó, vào đầu giờ sáng cùng ngày, ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) đã tỏ ra khá bối rối trước câu hỏi của luật sư về việc ông nghĩ gì khi “bầu” Kiên bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Trước sự bối rối của ông Long, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu luật sư chuyển câu hỏi khác. Trong khi đó vào chiều 26-5, trước tòa, “bầu” Kiên đã nói: Tôi và anh Long đã từng là bạn, hợp tác với nhau trong nhiều dự án, nhiều công ty với số tiền hàng nghìn tỷ đồng và chưa có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra. Tôi không thiếu tiền để phải chiếm đoạt tiền của người khác trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi không chiếm đoạt tiền của tập đoàn Hòa Phát vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi làm việc này. Anh Long là một doanh nhân lớn ở Việt Nam, với rất nhiều năm kinh nghiệm và bản lĩnh, tôi tin rằng ở Việt Nam hiện nay, không ai có thể lừa được anh Long.

 
 

NGUYỄN QUỐC

>> “Bầu” Kiên tiếp tục chối tội

- Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “bầu” Kiên: Tranh luận về... nghiệp vụ ngân hàng

Tin cùng chuyên mục