Sài Gòn cờ “độ”

Bài 1: Cái nghiệp đời người

Mảnh bằng... trong tủ
Bài 1: Cái nghiệp đời người

Người ta có thể có nhiều nghề để làm, nhưng kiếm sống bằng cách… lang thang đi chơi cờ tướng, có lẽ không thể gọi là nghề. Theo “kỳ vương” Trần Đình Hòa, cờ tướng, là một cái nghiệp. Hơn thế, nó còn là đam mê đeo đẳng cả kiếp người…

Mảnh bằng... trong tủ

Bài 1: Cái nghiệp đời người ảnh 1

Chơi cờ ở khu Miếu Nổi - Bình Thạnh.

Nguyễn Huy Lam tiến chốt, tiếp tục trận đấu thủ đài ở kỳ đài Nhà văn hóa Thanh Niên bằng thế “bình phong mã hiện đại”. Đây là một thế trận khá cơ bản đối với giới cao thủ cờ tướng, chuyên dùng cho những người đi sau, khi phải đối chọi với các cao thủ đi trước, tấn công bằng pháo đầu.

Thế trận bình phong mã vốn xuất hiện trong Mai Hoa Phổ từ thời nhà Thanh (Trung Quốc), nhưng cùng với sự phát triển của cờ tướng hiện đại, trận thế vốn có từ hơn 300 năm trước đã được cải biên thành những biến thế mới, có thể đối phó với những thế tấn công hung hãn của đòn “pháo đầu mã đội, cấp tấn trung binh”. “Tối nào mình cũng lên mạng, hoặc lật sách ra nghiên cứu. Mình vừa tải về toàn bộ các ván đấu mới nhất tại giải vô địch Trung Quốc. Đánh cờ tướng bây giờ, không rành khai cuộc, không kịp cập nhật những thế trận mới nhất, có thể thua lãng xẹt một tay “cờ ma” nào đó, nếu để lọt vào một thế trận đã từng diễn ra bên… Trung Quốc”, Lam nói.

Lam là một trong các kỳ thủ trẻ có chút tiếng tăm của TPHCM, và ở một nơi được giới địa ốc cho rằng có thế “rồng nằm, cọp ẩn” (khu Miếu Nổi) nơi có hàng loạt “Quốc tế Đại sư” (đẳng cấp Quốc tế Đại sư được xem như tương đương với kiện tướng quốc tế và đại kiện tướng quốc tế - danh hiệu được công nhận trong cờ tướng). Vị trí cao nhất mà Lam từng giành được, là hạng 6 tại giải vô địch cờ tướng A2 toàn thành vào 2 năm trước.

Tuy nhiên, với đẳng cấp và độ “lì” đòn của mình, hiện nay Lam có thể tự tin để đối mặt cả với các cao thủ hàng đầu của Việt Nam như Trềnh A Sáng, Trương Á Minh, Mai Thanh Minh… Cái Lam trội hơn hết, là tuổi trẻ. Năm nay, Lam mới 30 tuổi và anh mới chỉ gia nhập làng cờ chưa đầy 10 năm nay. Lam thực sự chỉ mới gia nhập “làng cờ” từ khi học năm thứ 2 tại ĐH Kinh tế TPHCM và xem đây là môn thể thao trí tuệ. Với môn thể thao mà người ta có thể chơi ở đỉnh cao đến hơn 60 tuổi như cờ tướng, Lam vẫn còn là “kỳ thủ trẻ” và anh còn một chặng đường rất dài ở trước mắt.

Đó là con đường mà Nguyễn Huy Lam chọn, dù phải xếp mảnh bằng cử nhân kinh tế của mình… vào tủ, để thỏa niềm đam mê.

Cờ tướng giang hồ

Đối với làng cờ, các kỳ thủ thường được chia theo đẳng cấp. Theo HLV đội tuyển quốc gia Hoàng Đình Hồng, “tướng” là các cao thủ cấp kiện tướng quốc gia trở lên, những người “đánh cờ không ai chấp nổi 2 nước”. Dưới mức “tướng” đó, các cao thủ cờ tướng giang hồ thường gặp là hạng “tá”.

Tuy nhiên, tại các “làng cờ”, danh hiệu “tướng”, “tá” được phong một cách thoải mái hơn. Những cao thủ như Nguyễn Huy Lam, Thái “cao su” đã được gọi là “tướng” trong “xóm cờ” của mình.

Ở khu vực chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, nơi Lam “thường trú” mỗi ngày, có rất nhiều “chuyên gia cờ độ”. Thái “cao su” là một trong số đó. Từng là một vận động viên trong đội tuyển Bình Thạnh trước đây, ông Thái nay đã hơn 60 tuổi, lấy việc đánh cờ tướng “độ” vừa như một thú vui lúc về già, vừa như một nghề để kiếm tiền tiêu.

Nổi danh trong giới cờ tướng với khả năng phòng thủ “dẻo như cao su”, ông Thái là một chuyên gia cờ chấp. “Những người đánh cờ để giải trí, chủ yếu đánh chỉ ở mức độ bình thường. Mình không chấp, người ta không dám chơi với mình. Muốn chơi được nhiều và được lâu, mới đầu mình chấp người ta một ít, sau cứ tăng dần lên. Chấp đến mức mà người ta không thể ngờ là người ta thua, mà cuối cùng người ta vẫn thua, mới có thể đánh được lâu”, ông Thái nói.

Theo ông Thái, ông từng là một thợ cơ khí lành nghề, làm đến bậc 6/7. Nhưng cái nghiệp cờ đeo đẳng ông, cuối cùng đã khiến ông bỏ việc. Bao nhiêu năm “lăn lộn giang hồ” từ trước năm 1975 đến nay đã rèn cho ông Thái một bản lĩnh đánh độ. Về cờ độ, cờ chấp, những người như ông Thái hơn hẳn dân học cờ bài bản như Lam. Mấy chục năm “trong nghề”, dù kiếm được rất nhiều tiền từ cờ tướng độ, nhưng ông Thái chưa bao giờ khá lên được. “Lúc kiếm được “nai” cũng phải chia nhau ra mà ăn, đánh thắng cũng phải đi nhậu à. Có lúc kiếm được nhiều tiền, nhưng cuối cùng, cũng chẳng gom góp được đâu”, ông Thái tâm sự.

Cái may mắn lớn nhất trong đời ông Thái, không phải là những lần gặp được “đại gia” nuôi cơm ông trong nhà hàng tháng trời và đánh độ với ông không sợ hết tiền, mà lại là… lần nhà ông bị cháy trong vụ cháy hơn 40 căn nhà ven kênh Nhiêu Lộc vào dịp tết năm 2004 (tháng 1 năm 2004) … “Nhà tui là nhà ổ chuột, ghép mấy mảnh tôn, mảnh gỗ lại. Tết năm đó, cháy 1 cái hết trơn, không chạy được cái gì, mà cũng có gì đâu mà chạy. Ai ngờ, cháy nhà dịp đó lại may. Thành phố cho tụi tui lên ở tạm chung cư, rồi viện trợ của khắp nơi đổ về. Nào mì, nào gạo, nào tiền. Cháy nhà mà có quá chừng đồ ăn tết”, ông Thái hể hả cười, khoe hàm răng… thiếu tùm lum.

Bài 1: Cái nghiệp đời người ảnh 2

Thư giãn với cờ tướng. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Đối với các cao thủ cờ tướng giang hồ, nghệ thuật đánh cờ chấp và đánh cờ lừa là điều không thể thiếu. Khác với đánh cờ tại các kỳ đài hay giải đấu, đánh cờ độ, đánh cờ chấp, một trong các yêu cầu quan trọng là phải thủ dẻo, lạng khéo, đưa ván cờ vào những chỗ phức tạp, để người chơi bình thường không thể đưa ra những quyết định chính xác nhất. Mỗi khi người ta có sai lầm, đó là cơ hội của các cao thủ cờ “độ”. “Khi chấp quân, thì mình phải biết rằng, cũng là con xe, con pháo cả, nhưng ở trong tay mình, con xe phải mạnh hơn con xe họ, con pháo phải mạnh hơn con pháo họ”, ông Thái “truyền nghề”.

Khu vực chung cư Miếu Nổi có rất nhiều quán café chuyên đánh cờ tướng, “cọp” như ông Thái hay Lam cũng nhiều, mà “nai” (những người đánh cờ yếu nhưng có tiền), cũng lắm. “Buôn có bạn, bán có phường”, phần lớn các “cư dân thường trú” tại đây đều tụ họp thành nhóm, đánh độ một ván lớn tiền thì không chỉ một người cầm quân chơi, mà những người khác đều có thể hùn tiền theo. Thắng cùng ăn, thua cùng chịu. Tất nhiên, khi gặp “nai” chính hiệu, “công nghệ xẻ nai” của “hệ thống cọp” tại đây ít khi để cho “nai” trốn thoát. Tuy nhiên, dễ “ăn” nhất vẫn là các “con nai” thích chơi “cờ úp”, một loại cờ tướng biến tấu, rất phổ biến ở Sài Gòn, và hầu như chỉ phổ biến ở nội thành TPHCM từ hàng chục năm nay.

TPHCM không chỉ là nơi có nhiều điểm đánh cờ tướng độ, mà còn có nhiều “kỳ đài”, một dạng thi đấu cờ có thưởng hàng tuần, được các cơ quan hoặc cá nhân tổ chức. Trong mấy năm gần đây, TPHCM có nhiều kỳ đài nổi tiếng tổ chức hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày như kỳ đài Kỳ ngộ, kỳ đài Cung văn hóa Lao động, Kỳ đài Vọng các, kỳ đài NVH Thanh Niên… Phần thưởng cho người thắng cuộc thường là 100 ngàn đồng, hòa là 50 ngàn. Người thắng được làm “đài chủ”, thủ kỳ đài cho lần tiếp theo. Nếu ván cờ hòa, đài chủ tiếp tục được thủ đài. Tại các kỳ đài như vậy, thường có bình luận viên, bình luận sau mỗi nước đi của ván cờ tại bàn cờ treo bên ngoài cho khán giả xem.

Các kỳ đài tại TPHCM từng thu hút danh thủ hàng đầu khắp cả nước tham gia thi đấu.

Bài 2: Ở thế giới 30 con úp ngược

Minh Tú

Tin cùng chuyên mục