Thạch “khùng” và ước nguyện lạ đời!

Thạch “khùng” và ước nguyện lạ đời!

Vào một ngày đầu tháng 3-2009, chúng tôi liên tục nhận được mail của một người… xa lạ với mong muốn được chia sẻ và tham vấn về ý tưởng đi xuyên Việt gây quỹ sách cho các dòng họ. Bất ngờ vì chúng tôi chưa hề quen anh. Lại càng bất ngờ hơn vì sau đó anh liên tiếp gửi mail cho chúng tôi, về cùng một nội dung. Điều này khiến tôi cảm phục vì sự kiên trì và tâm huyết với một ý tưởng quá ư tốt đẹp.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (trái) tặng sách cho Thạch.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (trái) tặng sách cho Thạch.

1. Khi gọi cho anh, bày tỏ mối quan tâm đến vấn đề tủ sách, anh liền vồn vã:

– Chị đợi tôi 2 phút, tôi sẽ xuống xe buýt để nói chuyện với chị. Trên xe không nói chuyện được.

– Anh không cần xuống xe đâu, nhỡ việc thì sao?

– Không sao. Tôi đang trên đường về nhà. Lát nói chuyện xong tôi bắt chuyến khác về cũng được mà.

Tự dưng tôi thấy xúc động, bảo anh cứ về nhà đi kẻo muộn. Sáng mai tôi sẽ gặp anh. Đêm về nằm nghĩ, chợt nhớ ngày nhỏ, tôi và bạn bè thèm đọc sách biết bao mà không có cuốn nào để đọc. Lại nhớ đến năm thứ nhất đại học, hơn nửa thời gian vùi mặt ở thư viện để đọc hết những cuốn sách mà hồi nhỏ từng nghe tên. Giá hồi nhỏ, tôi và chúng bạn có được một tủ sách, thì có lẽ nỗi thèm sách sẽ không ngấu nghiến như thế. Giờ thì dần có rồi, rải rác khắp các miền quê, một mô hình tủ sách dòng họ. Mô hình đã được một cá nhân đeo đuổi trên 10 năm nay. Một mô hình không sinh lợi và mất khá nhiều thời gian và tâm sức. Một mô hình có vẻ như lạc lõng giữa thời đại Internet bùng nổ. Nhưng với những người dân quê ở nông thôn, với những ai đề cao giá trị của văn hóa đọc thì mô hình này thật sự gây xúc động. Chúng tôi đang nói về Nguyễn Quang Thạch, người đã đề ra mô hình huy động sách cho các dòng họ ở nông thôn.

Sau 10 năm theo dõi, khảo sát, lang thang khắp các tỉnh miền Trung và miền Bắc, Nguyễn Quang Thạch đã quyết định đeo đuổi mô hình tủ sách dòng họ. Từ tháng 3-2007 đến nay, kể từ khi mô hình được khởi động, ban đầu là kinh phí do cá nhân tự bỏ ra và sau đó là sự ủng hộ (sách và tiền) của 52 cá nhân (trong đó có GS Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Phong Lê, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thân…), đến nay Thạch đã nhân rộng mô hình tủ sách đến 19 dòng họ ở 8 tỉnh khác nhau.

Tháng 3-2007, Thạch kích hoạt 3 tủ sách đầu tiên tại quê nhà. Đến nay, mô hình tủ sách dòng họ đã nhận được 1.647 đầu sách với 1.694 cuốn sách và 12 triệu đồng, 200 USD do các cá nhân ủng hộ (trong đó có 3 người nước ngoài).

Thạch nói, 2/19 tủ sách không thu hút được nhiều người đọc với lý do là 1 thủ thư bị ốm đau dài ngày (vừa mất cách đây mấy tháng), 1 thủ thư khác thì quá bận. Số còn lại, người mượn sách khá đông. Hầu hết các tủ sách không có đủ sách đáp ứng nhu cầu người đọc (mỗi tủ sách anh chỉ cung cấp được 100 - 140 đầu sách).

Càng làm, anh càng thấy, người dân nông thôn ở các nơi anh thí điểm mô hình tủ sách (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Hải Dương) đều mong muốn có nguồn sách đa dạng để đọc. Thế mới hay, giữa thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay, thẳm sâu trong lòng người vẫn là sự ham đọc, ham học, ham hiểu biết.

“Trong số 19 tủ sách, có 9 tủ dòng họ tự đóng tủ sách và tôi chỉ cung cấp sách. 7 dòng họ được góp sách bởi con cháu sinh sống ở các thành phố sau khi tủ sách được xây dựng. Hiện tại có 2 dòng họ ở Hà Tĩnh và Quảng Nam đã tự nhân rộng tủ sách. Có 2 dòng họ ở Hải Phòng và Hải Dương đã đóng xong tủ và đang chờ tôi đưa sách về. Một số dòng họ khác từ Nghệ An, Hà Tây, Thái Bình… đã liên lạc xin tủ sách”, Thạch phấn khởi cho biết.

Mặc dầu mô hình tủ sách dòng họ chưa tạo được những hiệu ứng lớn trong xã hội, vì cũng có thể chưa được nhiều người biết đến, nhưng Thạch luôn tin chắc, trong thời gian tới mô hình này sẽ lớn dần. “Tôi hy vọng tủ sách dòng họ sẽ đánh thức hàng trăm tỷ đồng đang nằm ở quỹ khuyến học các dòng họ. Nó cũng sẽ đánh thức hàng triệu đầu sách cũ đang nằm ở các tủ sách thành phố, và rồi hàng triệu người sinh ra từ cái nôi nông thôn đang sinh sống ở thành phố sẽ đóng góp sách cho dòng họ và quê hương của họ”, Thạch nói.

Tất nhiên, khi những nguồn lực kể trên được đánh thức, chắc chắn áp lực thiếu sách ở khu vực nông thôn sẽ giảm đi. Người dân nông thôn, học sinh nông thôn sẽ có nhiều cơ hội đọc sách hơn. Rồi nông thôn cũng sẽ có những thư viện do chính người nông dân xây dựng. Văn hóa đọc sẽ hình thành ở nông thôn, dân trí sẽ được nâng lên trong dài hạn.

Hiện nay, hàng tháng anh đều trích 5% - 10% thu nhập của mình (từ 300.000 - 700.000 đồng), cùng với sách và tiền do một số người ủng hộ để nhân rộng mô hình. Càng ngày, nhu cầu xin sách của các dòng họ càng lớn, và Thạch đang lo không biết một mình có kham nổi không. Để nhân rộng mô hình và tìm kiếm thêm sự cộng tác, anh Thạch đang có dự định cuối năm 2009 sẽ đi xe máy hoặc xe đạp xuyên Việt để tạo hiệu ứng xã hội về sách cho nông thôn Việt Nam. “Qua chuyến đi, tôi vừa muốn thu gom được sách, vừa muốn gặp gỡ các bạn trẻ, gửi cho họ thông điệp hãy làm điều gì đó cho đất nước, nhất là cho nông thôn. Tôi không muốn các bạn trẻ chỉ lên mạng bình phẩm điều này điều nọ. Tôi muốn họ hãy làm điều gì đó”, Thạch nói.

Nguyễn Quang Thạch trao tặng tủ sách cho một dòng họ.

Nguyễn Quang Thạch trao tặng tủ sách cho một dòng họ.

2. Sinh ra (năm 1975) trong một gia đình nghèo khó ở vùng quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhưng từ nhỏ Thạch lại may mắn vì nhà giàu sách vở. Bố mẹ chia tay, Thạch lớn lên cùng mẹ, nhờ sách mà tâm hồn một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh éo le được nuôi dưỡng. Nhưng cũng chính ở vùng quê này, chứng kiến cảnh những đứa trẻ con rủ nhau ra đường giở trò sàm sỡ với phụ nữ, với bé gái, hoặc cảnh người ta chửi nhau không ra gì chỉ vì những chuyện vặt vãnh, Thạch mới hiểu tâm hồn con người bị khuyết quá nhiều.

Mà chung quy cũng chỉ vì họ ít được đọc sách quá, ít được giao tiếp với thế giới tinh thần quá. Từ đó, ý tưởng đưa sách về nông thôn được anh ấp ủ. Lớn lên, học đại học, được tiếp cận với bao nhiêu nguồn sách quý giá, ước nguyện đó ngày càng trở nên cháy bỏng. Lại nhận được sự động viên của nhà văn Nguyễn Quang Thân (chú họ), Thạch càng nung nấu phải thực hiện bằng được ý nguyện. Nhưng đưa sách về bằng cách nào không phải là chuyện dễ.

Thế là Thạch bắt đầu những chuyến lang thang miệt mài ở các vùng quê, tha thẩn ở các nghĩa địa làng, để rồi một ngày tự reo lên “ra rồi”. “Mộ chí ở nghĩa địa làng được các dòng họ chăm chút lắm, tập kết ngay ngắn. Điều đó có nghĩa là dòng họ là nơi tốt nhất để tôi đưa sách về làng”, Thạch thổ lộ.

Trên blog của mình, Thạch ghi “Tiếng Anh là nghề, từ thiện là nghiệp”. Hiện anh làm việc cho tổ chức World Vision với dự án “Phòng ngừa buôn bán phụ nữ và trẻ em khu vực đồng bằng sông Mekong” ở Hà Nội. Chuyện Thạch chuyển cuộc sống từ quê nhà ra Hà Nội cũng không giống ai. Chỉ vì muốn làm thật nhiều tủ sách cho các dòng họ mà anh ra Hà Nội sống. Mục đích là để có cơ hội gặp gỡ các nhà trí thức, các nhà văn, nhà báo lớn, từ đó nhờ ảnh hưởng của họ mà gom sách cho nông dân.

Lương không cao, lại phải trang trải cho một cuộc sống gồm hai vợ chồng và đứa con nhỏ, gia đình nhỏ của Thạch vẫn phải tạm bợ trong căn phòng trọ chật chội ở Hà Đông. Hàng ngày Thạch bắt xe buýt đi làm. Tự mình phải làm thêm nhiều việc để có tiền. Nhưng chính Thạch từ lâu tự biết, cả đời anh sẽ đeo đuổi ước nguyện thành lập các tủ sách cho các dòng họ ở nông thôn. Ước nguyện đó không đơn thuần chỉ là góp sách, mà còn để được làm điều gì đó góp phần nâng đỡ tâm hồn con người, giúp người ta sống lương thiện. “Tôi tin rằng, nếu chăm đọc sách, người ta sẽ có cách cư xử đầy tình người hơn”, Thạch bày tỏ.

Lương thiện. Đó là từ mà tôi nghe anh nhắc đến rất nhiều trong câu chuyện. Anh bảo cứ mỗi lần anh đặt chân vào cửa nhà văn Nguyễn Quang Thân, anh lại nghe hỏi “Thế nào, có làm điều gì xấu không đấy”. “Không ạ, cháu vẫn sống lương thiện”, đó là câu trả lời. Thạch kể, hồi làm ở Ban quản lý dự án PMU 85 thuộc Bộ GTVT (đóng tại Nghệ An), anh “nổi tiếng” cả ngành giao thông là người không bao giờ đòi phong bao của nhà thầu, chỉ sống với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Cũng để sống thật lương thiện, anh động viên vợ học tiếng Anh thật giỏi, tự thi đậu vào làm giảng viên Trường Đại học Hà Nội mà không phải mất bất cứ đồng “bôi trơn” nào.

Phàm những gì khác người, mới lạ đều dễ bị đả kích. Với ý tưởng của mình, Thạch không ít lần phải nghe những lời châm chọc. Thạch cũng đã quá quen với những “mỹ từ” mà người ta dành cho mình, như khùng, điên, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

Nguyễn Quang Thạch từng viết thư gửi tới Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Phó Thủ tướng). Trong thư Thạch biểu lộ sự tin tưởng văn hóa đọc sẽ hình thành khi hầu hết các dòng họ ở nông thôn được trang bị tủ sách. “Cháu đã ấp ủ việc xây dựng mô hình tủ sách khuyến đọc ở nông thôn từ những năm tháng sinh viên nhưng đến bây giờ mới thực hiện được. Cháu sẽ dành mọi tâm huyết vào việc nhân rộng mô hình tủ sách đến cuối đời”, Thạch viết.

Ai sinh ra cũng cố gắng để góp cho đời chút hương. Chút hương mà Thạch góp cho đời rất lạ, rất thơm và tôi tin sẽ còn lưu mãi.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục