“Kỹ sư” … thác lác

“Kỹ sư” … thác lác

Dẫu chưa học hết cấp 3, nhưng ông Diệp Văn Út, 61 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Phú, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, được bà con trong vùng gọi là “kỹ sư thác lác”, hoặc “Út thác lác” vì ông có tài nuôi cá thác lác rất độc đáo. Thậm chí, nhiều sinh viên khoa nuôi trồng thủy sản trước khi làm luận án tốt nghiệp cũng phải đến học tập kinh nghiệm thực tế của ông.

Bạc đầu tìm… công nghệ

Trời trưa nắng gay gắt, hàng cây đứng yên không chút gió.Vậy mà cha con ông “kỹ sư thác lác” dường như không biết đến cái nóng cháy da, mọi người vẫn cặm cụi làm việc quanh bên ao nuôi cá thác lác có diện tích khoảng 6.000m².

“Kỹ sư thác lác” với con cá thác lác nặng hơn 3kg. Ảnh: NHẬT NGÂN
“Kỹ sư thác lác” với con cá thác lác nặng hơn 3kg. Ảnh: NHẬT NGÂN

Ông Út là người nổi tiếng vùng này có kinh nghiệm trong việc nuôi cá thác lác, đặc biệt là ông đã cho cá đẻ trứng và nở thành công, để bán cá con cho các hộ nuôi cá thịt. Đây là một kết quả rất đáng kể, bởi tạo môi trường cho cá đẻ không phải đơn giản ai cũng có thể làm được. Ngay cả chính mình, ông cũng không ngờ thành công như vậy. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao ông có tên là “kỹ sư thác lác” hay có người còn gọi là Út thác lác.

Út thác lác đưa chúng tôi đến mấy cái hồ xây bằng gạch trên bờ ao, trong đó, ông đang cho ấp trứng cá thác lác sắp nở. Ông lấy một thanh tre được cắm trong ao, đưa lên cho chúng tôi xem. Quanh thân cây tre, trứng cá thác lác bám đầy. Ông cười hiền lành: “ Chỉ đơn giản vầy thôi, mà phải bạc cả đầu tôi mới tìm ra”.

Ông giải thích: Cá thác lác khi đẻ, trứng thường phải bám vào một vật gì đó để tránh bị nước cuốn trôi hoặc làm mồi cho những loài cá khác. Sau thời gian cắm cây sào này dưới ao, để cá thác lác đến đẻ khoảng tuần lễ thì đem vào hồ để cá nở.

Nếu để dưới ao, cá nở sẽ bơi đi tản mạn trong khi cá còn nhỏ quá, còn trong dạng bột, rất dễ chết. Cá sống trong hồ chừng 30 ngày là có thể bán dạng cá con”. Nói tới đây, nét mặt ông tươi tắn hẳn lên: “Nuôi cá thác lác rất kinh tế, nhưng nguồn cá giống quá khan hiếm, giá lại cao, khiến người nuôi không có lãi. Để giúp bà con nông dân có cá giống, tôi quyết tâm nghiên cứu nuôi cá đẻ để cung cấp cá con cho mọi người. Hiện nay cứ mỗi tháng, tôi bán từ 40.000 đến 50.000 cá con”.

Ông hóm hỉnh: “Mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng, đủ cho con cái ăn học, còn mình cũng có được vài xị lai rai cho vui”.

“Kỹ sư” … nhân nghĩa

Trong lúc tiếp chuyện chúng tôi, có mấy người ở tận Sóc Trăng chạy ghe máy đến hỏi mua cá con. Tôi  lân la làm quen với anh Bảy Lục, anh thổ lộ: “Tôi nuôi cá khoảng 7 năm nay, cũng đã bỏ công nghiên cứu nuôi cá đẻ nhưng không tài nào thành công, đành đến đây mua cá con về nuôi cho chắc ăn”.

Bảy Lục gật gù tâm đắc: “Sau này không biết giá cả sẽ ra sao, chớ bây giờ thì nuôi cá thác lác có lý lắm. Nuôi cỡ 6 - 8 tháng, cá có thể cân nặng 2-3kg là chuyện thường. Giá khoảng 30.000đ - 45.000đ/kg. Cứ mỗi đợt kéo cá, có thể kiếm vài chục triệu đồng, sống đỡ lắm”.

Nghe anh nói, tôi thắc mắc là làm gì có con thác lác nặng đến 3kg, thật sự từ nào giờ tôi chưa thấy. Để chứng minh, anh đề nghị chủ ao vớt lên con cá cho tôi xem. Quả thật, tôi không ngờ cá thác lác ở đây to đến thế. “Kỹ sư thác lác” cho biết, nhờ lai tạo giống tốt, nên cá của ông bán đi khắp các tỉnh miền Tây.

Vừa trò chuyện với Bảy Lục, tôi vừa chú ý đến anh thanh niên đứng bên hồ chăm chú vớt cá con đếm giao cho người mua. Anh ta làm việc quá đỗi tài tình, cá con cứ bơi lúc nhúc như vậy mà anh đếm vừa nhanh vừa chính xác, không lộn con nào. Hỏi thăm, anh tên Lâm, đến làm công cho “kỹ sư thác lác” hơn một năm rồi, anh tâm sự: “Lâu nay em làm ruộng, cực khổ mà cũng không đủ tiền nuôi vợ với 2 đứa con. Thấy ông Út nuôi cá có lý quá, nên cất công đến đây vừa làm vừa học nghề nuôi cá đẻ, tìm cơ hội đổi đời”.

Lâm phấn khích: “Ông Út vừa giỏi tay nghề lại tốt bụng. Thấy tôi nhà nghèo ông kêu đến dạy nghề. Ông dạy rất tận tình. Để tôi yên tâm học, ông còn trả tiền lương mỗi tháng để lo cho vợ con”. “Kỹ sư thác lác” bộc bạch: “Khi nhắm mắt lìa đời, có ai mang theo được cái gì đâu. Thế thì tại sao lúc còn sanh tiền, mình không giúp đỡ nhau. Lấy cái nhân cái nghĩa mà sống ở đời”.

Có được như ngày hôm nay, “kỹ sư thác lác” cũng trải qua nhiều phen ba chìm bảy nổi. Đầu tiên ông nuôi heo, lỗ gần sạt nghiệp; ông chuyển sang nuôi gà, lại rơi vào mấy đợt dịch cúm gia cầm, tiền của tiêu tan.

Nghe ở Sóc Trăng, Bạc Liêu người ta nuôi cá thác lác mà làm giàu, ông tìm tới nơi học hỏi, rồi về vay ngân hàng 50 triệu đồng làm vốn ban  đầu. Chỉ qua hai mùa, là ông trả dứt nợ ngân hàng. Thấy nhu cầu nuôi cá nhiều nhưng thiếu cá giống, thế là ông lại tìm tòi nghiên cứu phương pháp nuôi cá đẻ. Ông nói gọn lỏn nhưng rất thấu tình, đạt lý: “Đâu phải làm việc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Mình phải kiên nhẫn, chịu thương chịu khó, dầm mưa dãi nắng, mới đạt được thành quả”.

Nguyễn Tường Lộc (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục