“Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ”

“Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ”

Chúng tôi, thầy trò Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) rời Quế Lâm, Trung Quốc vào mùa hè năm 1968. Cho mãi đến tháng 5 vừa qua, tôi mới có dịp quay trở lại. Quế Lâm như lột xác, từ một thành phố nhếch nhác và náo loạn đã trở thành một thành phố phong quang, sạch sẽ và lịch sự.

Dị thảo, chim muông, tuyển phu lầu...

Quế Lâm có hàng trăm núi đá xanh mang nhiều dáng vẻ kỳ thú, những hang động tuyệt vời, những dòng sông trong vắt… Tuy nhiên, tiềm năng thiên nhiên ấy đến nay mới được khai thác triệt để, trở thành ngành công nghiệp không khói mang lại sự giàu có thực sự cho đất nước và người dân. 7 ngày ở Quế Lâm, chúng tôi đi thăm những nơi đã từng đặt chân cách đây hơn 40 năm. Toàn bộ khu vực Thất Tinh Nham dùng làm du lịch.

Đoàn cán bộ Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thăm Quế Lâm. Ảnh: VIỆT HOA

Đoàn cán bộ Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thăm Quế Lâm. Ảnh: VIỆT HOA

Tại dãy núi Thất Tinh này có một hang động xuyên suốt 7 ngọn núi. Trước kia, trong hang đã có điện để du khách tham quan nhưng còn rất sơ sài. Ngày nay, có cả một công trình nghiên cứu nâng cấp, làm cho Thất Tinh Nham hoàn toàn thức giấc và không còn đơn độc. Thất Tinh trở thành khu rừng tráng lệ với những kỳ hoa dị thảo, chim muông phong phú và tự do. Thất Tinh Nham cùng với những hang động thiên nhiên nổi tiếng khác như Lô Địch Nham, Tượng Sơn, Điệp Thái Sơn, Lạc Đà Sơn, Độc Tú Sơn, Tháp Sơn… tạo nên một vùng du lịch liên hoàn thu hút du khách.

Quế Lâm nổi tiếng bởi núi đá và những con sông đan xen. Bàn tay con người đã bắt sông núi Quế Lâm gắn kết lại, tạo nên một quần thể du lịch đặc biệt hấp dẫn. Du khách đến đây không thể bỏ qua tour du lịch “2 sông 4 hồ”. Hai sông là Ly Giang và Đào Hoa Giang. Còn hồ thiên nhiên, họ gọi 4 hồ nhưng xem trên bản đồ có những 6 hồ, đó là Dung Hồ, Thái Hồ, Lệ Trạch Hồ, Bảo Hiền Hồ, Tây Thanh Hồ và Mộc Long Hồ. Ban ngày đi xem, thấy những cây cầu cong, cầu có mái, nhà hàng, cảnh vật … cũng đẹp nhưng ban đêm ngồi trên tàu du lịch thì quang cảnh khác hẳn nhờ sự bố trí ánh sáng nghệ thuật tài tình, sự thiết kế các sân khấu với các màn trình diễn của đa sắc tộc tỉnh Quảng Tây ở dọc hai bên bờ sông.

Hành trình du lịch, con tàu chở khách được nâng lên hạ xuống qua hai con kênh (không khác gì kênh đào Xuy-ê hay kênh đào Pa-na-ma), tạo nên một cảm giác tò mò, thú vị. Du khách đi một vòng khép kín nhưng không hề có ấn tượng “khép kín” bởi liên tục có cảm giác mông lung như chốn thiên đường, luôn luôn mới lạ. Tàu chui qua cầu mà không nhận ra cây cầu này ban ngày ta đã dạo qua, ghé lại bờ sông cũng không ngờ nơi này sáng sớm ta đã tới ngắm mặt trời mọc. Chuyến du ngoạn đêm thật đáng giá. Vé đắt, 150 nhân dân tệ/vé (tương đương 450.000 đồng) nhưng nó làm ta thực sự thỏa mãn. Tự ngàn xưa, Trung Hoa có câu “Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ” (Phong cảnh Quế Lâm đẹp nhất thiên hạ). Câu tiếp theo là “Dương Sóc phong cảnh giáp Quế Lâm”  (Phong cảnh Dương Sóc đẹp nhất Quế Lâm). Dương Sóc hiện là điểm nhấn giá trị không chỉ của Quảng Tây mà của cả Trung Quốc.

Trên đường từ Quế Lâm đi Dương Sóc dài khoảng 100km, chúng tôi ghé thăm “Đào Uyên thế trang”. Con sông Đào Hoa chảy qua Quế Lâm mới xuống đây. Thực ra bài “Đào Hoa nguyên ký” của cụ Đào Tiềm đời nhà Hán viết con sông Đào Hoa khác. Nhưng con sông này cũng có tên Đào Hoa, lại nằm giữa chặng đường đi Dương Sóc, một vùng đặc biệt trời cho cảnh đẹp; thế là họ khai thác, đưa cụ Đào Tiềm vào du lịch. Chúng tôi xuống thuyền đi dọc con sông Đào Hoa. Nếu nói về thiên nhiên thuần túy, nó kém xa Tràng An, Tam Cốc của Ninh Bình nhưng nguồn thu của họ cực lớn.

Đó chỉ là con suối cạn, hai bên đất trũng, ruộng lầy nhưng trên vùng đất hoang ấy, họ làm những cổ lầu, những phong vũ kiều của dân tộc Đồng rất lạ mắt. Khu nhà của cụ Đào Uyên Minh có nhiều phòng, nhiều cầu thang gỗ kiểu xa xưa. Bên trong là những bức thư pháp rất đẹp ký tên “Đào Uyên Minh”, trong đó nổi bật một bản “Đào Hoa nguyên ký” khổ lớn, phủ kín bức vách ván. Khách biết thư pháp, nếu muốn, sẽ được một mỹ nữ mài mực Tàu, một nam thanh bưng nghiên cho mình phóng bút.

Tại một khu đất rộng trên bến dưới thuyền, họ dựng một lầu gỗ gọi là “Tuyển phu lầu” – lầu kén chồng của “hậu duệ” cụ Đào Tiềm đấy (!). Một cô gái khá xinh, ăn vận giống như Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu mộng, cứ 30 phút một lần mở rèm bước ra hiên và gieo cầu xuống sân cho khách đón bắt. Quang cảnh mỗi lúc một hào hứng, tưng bừng. Trong lúc chờ giai nhân xuất hiện, khách có thể giải khát ở căn tin, giá gấp 10 lần mà ai cũng hồ hởi và chờ vận may trúng quả.

Cơ chế thị trường

7 ngày ở Quế Lâm, thầy trò Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi chủ yếu thăm những người anh em đã nuôi dưỡng đùm bọc lớp thanh thiếu niên một thời Việt Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm, chỉ giành một ít thời gian cho du lịch, nhưng những ấn tượng ghi lại trong lòng thật sâu đậm. Có thể thấy rõ bạn thành công ở 3 mặt nổi bật sau đây:

Một là, tầm nhìn xa rộng khi thiết kế các công trình du lịch. Năm 1996, tôi có dịp trở lại Trung Quốc, thăm Cố cung, Vạn Lý Trường Thành, Thâm Quyến, Thượng Hải… Không nơi nào đứng riêng lẻ. Chúng liên kết với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp. Khi giao lưu, bạn còn cho biết thiết kế cho du lịch của 15 - 20 năm sau.

Thứ hai, bạn giáo dục và tổ chức giỏi, huy động được toàn dân tham gia làm du lịch. Ngày 28-5, tôi và thầy Thịnh đi ăn sáng, lúc về bỏ quên túi xách trong đó có máy ảnh, tiền nhân dân tệ và đô la. 2 thanh niên dẫn đường cho chúng tôi lúc đi ăn phát hiện ra, đến tận khách sạn báo tin. Anh Thịnh quay lại nhà hàng, nhân viên đề nghị kiểm tra tại chỗ xem có mất gì không. Buổi sớm đi dạo trên đường ven sông Ly, thấy một ông già nhặt rác bỏ vào túi nhựa, tưởng là nhân viên vệ sinh nhưng không phải, ông là người dân đi tập thể dục. Khách du lịch tuyệt nhiên không bị bâu bám, lôi kéo, xin xỏ.

Thứ ba, bạn bảo đảm cho người dân sở tại được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch. Giáo sư Đỗ Kiếm Tuyên cho biết, đại đa số các ông chủ ở đây là người địa phương. Toàn bộ các nhân viên, diễn viên của chương trình là thanh niên địa phương. Muốn được như vậy phải đầu tư đào tạo họ vì họ người dân tộc thiểu số như Choang, Mèo, Đồng… Điều này nói thì dễ nhưng làm thì khó vì các đại gia chỉ nhăm nhăm nhét con cháu vào ngành công nghiệp dễ hái ra tiền này.

Nói như vậy không phải những nơi chúng tôi tới toàn điều hay. Bạn cũng cơ chế thị trường như ta. Những trò buôn gian bán lận không thiếu nhưng đó lại là chuyện khác. Tuy nhiên những điều hay của họ rất đáng để ngành du lịch của ta suy ngẫm. Mà với tôi, suy ngẫm đầu tiên là các ngành chức năng nên làm đẹp cửa khẩu Hữu Nghị ở Đồng Đăng. Vì một lý do đặc biệt, chưa làm hoành tráng thì hãy sửa chữa cho thoáng đãng, đàng hoàng, hãy mở nhiều cửa làm thủ tục. Đặc biệt phải đào tạo lại số nhân viên làm nhiệm vụ cho có tính chuyên nghiệp hơn. Vì nơi này như một điểm đầu hấp dẫn khách.

27-9-2010

KHÁNH TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục