Nụ cười ông Sáu Phong

Nụ cười ông Sáu Phong

1. Tôi được gặp ông lần đầu tiên trong buổi họp mặt đầu xuân 1992 tại Tòa soạn Báo Sông Bé, lúc ấy ông tròn 50 tuổi, vừa được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 7, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé. Là sinh viên mới ra trường, được dự buổi họp mặt có lãnh đạo cao cấp, tôi dán mắt vào ông, nghe ông nói như nuốt từng lời. Ông nói giọng miền Nam ấm áp, thỉnh thoảng nở nụ cười thật đẹp, thật tươi.

Những năm sau đó, cả nước chứng kiến sự trỗi dậy của tỉnh Sông Bé - Bình Dương, đặc biệt là về thu hút đầu tư (năm 1995, tỉnh Sông Bé được tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Ông Sáu Phong - Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương được dư luận trong và ngoài nước chú ý với câu nói nổi tiếng: “Bình Dương trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài”. Và không chỉ nói, ông cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương thời kỳ đó vận hành cơ chế “một cửa” để phục vụ các nhà đầu tư, tranh thủ tối đa cơ hội hợp tác đầu tư. Từ đó, Bình Dương “ăn nên làm ra” và trở thành thành viên của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cũng từ đó, hình ảnh ông Sáu Phong xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Rồi ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị các khóa tiếp theo, giữ các trọng trách: Trưởng ban Dân vận Trung ương, Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch nước. Ở cương vị nào ông cũng thể hiện phong thái đĩnh đạc của một chính khách, với nụ cười tươi tắn, đôn hậu.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 17 và thăm chính thức Cộng hòa Singapore, tháng 11-2009. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 17 và thăm chính thức Cộng hòa Singapore, tháng 11-2009. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

2. Ông Tư Kinh Nghiệm (tên thật là Nguyễn Văn Chóa, anh ruột của ông Sáu Phong) lúc sinh thời có kể cho chúng tôi: “Cha mẹ tôi có 8 người con. Chú Triết là con thứ 6, hồi đó ở nhà gọi là Bảy Triết. Thời gian hoạt động cách mạng, chú Triết lấy bí danh là Trần Phong - Sáu Phong. Hồi nhỏ chú Triết học giỏi, học nhảy một năm mà thi đâu đậu đó. Nhà nghèo, ngoài giờ học, chú Triết còn phải đi chèo đò. Tôi xuống Sài Gòn làm thợ sửa xe gắn máy và xe hơi, kéo chú Triết xuống ở với tôi để ăn học. Chú Triết đậu vô Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), đến năm 1960 theo học cử nhân Toán tại Đại học Khoa học Sài Gòn, tham gia phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Sài Gòn. Năm 1963, chú Triết vào chiến khu…”. Cách kể chuyện của ông Tư mộc mạc. Ông Tư kể nhiều về những kỷ niệm tuổi thơ nghèo khó thời đạn bom ở Phú An, những ngày sống vất vả ở Sài Gòn. Ông Tư còn kể cả chuyện chú Triết gặp rồi cưới cô Chi. Cuối cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Tư nhận xét: “Ngay từ nhỏ, chú Triết đã thể hiện rõ là một người thông minh, tình cảm, sống đạo đức và có chí khí cách mạng”.

3.
Ngày 18-9-2010, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết làm trưởng đoàn tham gia khóa họp lần thứ 65 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) tại New York, Hoa Kỳ nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Lịch làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong 5 ngày ở đây đặc kín.

Được tháp tùng ông trong chuyến đi này để đưa tin, viết bài, chúng tôi chứng kiến sức làm việc mạnh mẽ của ông: gặp gỡ các bạn bè Hoa Kỳ đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong vụ kiện chất độc da cam và các đại diện kiều bào tiêu biểu; dự lễ khai mạc hội nghị cấp cao LHQ; phát biểu tại phiên toàn thể hội nghị cấp cao LHQ; tiếp xúc song phương với Tổng Thư ký LHQ; tiếp tổng thống và thủ tướng các nước: Đức, Namibia, Cộng hòa Trung Phi, Philippines, Ukraine; dự lễ trao giải thưởng “Xích đạo” của LHQ về đa dạng sinh học; gặp gỡ cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton; gặp gỡ lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ; dự và phát biểu về “Đầu tư tại Việt Nam” tại Hội nghị Đầu tư toàn cầu; cùng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chủ trì Hội nghị Hoa Kỳ - ASEAN…

Mặc dù làm việc căng thẳng như vậy, nhưng mỗi sáng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vẫn dậy sớm xuống nhà ăn khách sạn ăn sáng cùng bàn với các anh chị em trong đoàn, trò chuyện cởi mở, vui vẻ. Ông luôn giữ phong thái đĩnh đạc của một nguyên thủ quốc gia. Chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh ông ung dung bước lên bục phát biểu tại hội nghị cấp cao Đại hội đồng LHQ vào sáng 21-9-2010: “Việt Nam trân trọng thông báo đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ và có thể đạt các mục tiêu còn lại vào năm 2015. Đó là những thành tựu đầy phấn khởi về xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, đẩy lùi sốt rét và các bệnh dịch. Nhà nước Việt Nam thực hiện cam kết qua việc cụ thể hóa các mục tiêu thiên niên kỷ, để thực hiện có hiệu quả, lồng ghép các mục tiêu này vào chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển ở các cấp, phát huy sự tham gia của người dân. Các tiến bộ này gắn liền với những thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện và sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế…”.

4.
Từ TPHCM theo quốc lộ 13 đến cuối thành phố Thủ Dầu Một, rẽ trái qua khỏi cầu Ông Cộ khoảng 2km là đặt chân đến xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Thời chống Mỹ, vùng đất này được gọi tên là chiến khu “Tam giác sắt”. Dưới lòng đất nơi đây có cả một địa đạo dài 30km, là một dấu tích quý báu về lịch sử chiến tranh thời chống Mỹ.

Xã Phú An hiện nay có diện tích 1.974ha, trong đó có trên 60% là đất nông nghiệp, với trên 1.400 hộ dân. Người dân ở đây không chỉ với nghề trồng lúa, cây ăn trái mà còn trồng cao su, trồng điều, làm bánh tráng, nuôi thủy sản, kinh doanh dịch vụ… Hơn chục nhà máy, xí nghiệp mới được xây dựng trên địa bàn xã cũng đã giải quyết được nhiều việc làm cho người dân tại chỗ. Phú An hiện có 1 trường tiểu học, 1 trường THCS kiêm THPT, 1 trạm xá đạt chuẩn quốc gia. Tại làng Tre ở xã nay mới mọc lên công trình Trung tâm Bảo tồn sinh thái Phú An. Những năm 2006 - 2011, người dân xã Phú An tự hào về một điều thú vị, 4 vị chủ tịch đương nhiệm đều quê quán tại xã Phú An: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch huyện Bến Cát Nguyễn Văn Khải và Chủ tịch xã Phú An Nguyễn Văn Tuấn.

Những ngày cuối năm 2013, đoàn cán bộ Báo SGGP đến Phú An thăm ông. Ông về sống ở đây được hơn 2 năm, sau khi nghỉ hưu. Căn nhà tranh nằm sâu trong lộ nhỏ cạnh bến đò xưa, nơi gắn liền với tuổi thơ của ông, nay được xây thành căn nhà tường nhỏ. Ông niềm nở đón chúng tôi, trò chuyện, nhắc nhớ những kỷ niệm với Báo SGGP, với TPHCM. Ông hỏi thăm sức khỏe, công việc từng người. Ông không nói nhiều về mình, chỉ kể về một số việc đã làm được và cũng có việc muốn nhưng chưa làm được vì ý kiến ông lúc ấy chỉ là thiểu số. Ông cho biết, khu vườn ông rộng 1 hecta trồng các loại rau, cây ăn trái và nuôi chim yến làm kinh tế gia đình, mỗi tháng thu lợi được khoảng 20 triệu đồng. Về bí danh Sáu Phong, ông tiết lộ: “Bên nhà tôi, tôi thứ Bảy, bên bả thì thứ Năm, cộng lại chia đôi là thứ Sáu, nên tôi lấy bí danh là Sáu Phong”.

Chúng tôi còn được ông mời dùng bữa cơm chiều do chính cô Sáu nấu. Cuộc sống ở TPHCM sôi động, làm nghề báo đi đứng, ăn uống vội vàng, lâu lắm rồi tôi mới được ăn bữa cơm quê ngon như vậy. Bữa cơm với thịt heo nấu hon, cá kho, canh cá, rau vườn nhà do chính ông Sáu Phong trồng và chăm bón, rượu thuốc cũng do ông tự ngâm. Ông tận tay múc từng chén canh cho từng người. Chia tay chúng tôi, ông tiễn ra tận cửa, đứng chờ mọi người lên xe, vẫy tay và cười tươi. Nụ cười đôn hậu, mang sức thuyết phục lớn lao!

NGUYỄN KHẮC VĂN

Tin cùng chuyên mục