Mỹ chi 25 triệu USD cho phe đối lập ở Syria

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria tiếp tục leo thang có thể lan rộng ra ngoài biên giới nước này, ngày 2-8, không biết vô tình hay cố ý, một nguồn tin từ Mỹ cung cấp cho các hãng tin lớn trên thế giới rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng ký một văn kiện mật cho phép Mỹ ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria và mới đây quyết định chi 25 triệu USD cho phe này. Chỉ thị của ông Obama được kèm trong một tài liệu cho phép Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hành động bí mật hỗ trợ lực lượng chống ông Assad một cách cụ thể hơn so với trước đây như từng được công bố.
Mỹ chi 25 triệu USD cho phe đối lập ở Syria

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria tiếp tục leo thang có thể lan rộng ra ngoài biên giới nước này, ngày 2-8, không biết vô tình hay cố ý, một nguồn tin từ Mỹ cung cấp cho các hãng tin lớn trên thế giới rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng ký một văn kiện mật cho phép Mỹ ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria và mới đây quyết định chi 25 triệu USD cho phe này. Chỉ thị của ông Obama được kèm trong một tài liệu cho phép Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hành động bí mật hỗ trợ lực lượng chống ông Assad một cách cụ thể hơn so với trước đây như từng được công bố.

  • Ủy quyền tình báo bí mật và 25 triệu USD

Mặc dù người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor từ chối bình luận về tiết lộ trên, nhưng hãng tin Reuters dẫn nguồn các nguồn tin thân cận cho biết chỉ thị trên hay chính xác là ủy quyền tình báo bí mật được Tổng thống Obama ký thông qua hồi đầu năm nay, cho phép CIA và các cơ quan an ninh của Mỹ cung cấp hỗ trợ rộng rãi để lật đổ Tổng thống Assad. Trước đó, Washington khẳng định chỉ đang hỗ trợ y tế và truyền thông cho lực lượng đối lập ở Syria. Tuy nhiên, với tiết lộ này dù vô tình hay cố ý Mỹ đã công khai thể hiện sự ủng hộ phe đối lập ở Syria.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Obama đã cấp khoản viện trợ 25 triệu USD cho lực lượng nổi dậy tại Syria, mặc dù vẫn hạn chế ở các mặt hàng tiếp tế phi sát thương như các thiết bị liên lạc. Ban đầu dành 15 triệu USD để trợ giúp phe đối lập Syria, tuy nhiên sau đó đã bổ sung thêm 10 triệu USD và sẽ tiếp tục khi nhận được các yêu cầu.

Động thái công khai hỗ trợ phe đối lập Syria diễn ra trong bối cảnh giới chuyên gia Mỹ đã kêu gọi Washington tăng cường hỗ trợ phe nổi dậy tại Syria, bao gồm khả năng viện trợ vũ khí và hậu thuẫn từ trên không. Theo các chuyên gia này, chính quyền Mỹ cần thông báo với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng Damascus sẽ vượt “giới hạn đỏ” nếu sử dụng vũ khí hóa học.

Ngoài chỉ thị bí mật trên, một nguồn tin chính phủ Mỹ cũng tiết lộ rằng, Washington cũng đang hợp tác với một trung tâm chỉ huy bí mật do Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh điều hành. Cũng như Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặt trung tâm này ở thành phố Adana, rất gần với biên giới, để dễ bề hỗ trợ phe đối lập của Tổng thống Assad. Nơi đây có sự hiện diện đáng kể của căn cứ không quân và các cơ quan tình báo của Mỹ. Theo Reuters, giới chức Mỹ hiện tại và cả trước đây ngày càng dấn sâu vào hoạt động đào tạo, trang bị cho lực lượng đối lập ở Syria.

Người dân Syria xếp hàng mua bánh mì ở thành phố Aleppo, nơi giao tranh diễn ra khốc liệt suốt 6 ngày qua.

Người dân Syria xếp hàng mua bánh mì ở thành phố Aleppo, nơi giao tranh diễn ra khốc liệt suốt 6 ngày qua.

  • Tổng thống Syria kêu gọi quân đội chiến đấu vì đất nước

Hãng thông tấn chính thức SANA dẫn phát biểu của Tổng thống Assad ngày 1-8 tuyên bố, quân đội đang tham gia một cuộc chiến quyết định và quả cảm. Ông khẳng định cuộc chiến của quân đội Syria với các lực lượng đối lập sẽ quyết định vận mệnh của đất nước, đồng thời ca ngợi các binh sĩ đang chiến đấu chống lại các băng nhóm khủng bố. Phản ứng với lời kêu gọi của ông Assad dành cho quân đội, Washington cho rằng ông Assad đang hô hào quân đội tàn sát người dân.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria tiếp tục leo thang, ngày 1-8, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành diễn tập xe tăng gần biên giới giáp Syria, động thái cho thấy Ankara quan ngại về tình hình an ninh ở khu vực biên giới trong bối cảnh cuộc xung đột ở quốc gia láng giềng phía Nam nước này tiếp tục lan rộng. Cuộc diễn tập diễn ra sau một loạt đợt triển khai quân Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực giáp giới với Syria. Ankara đang lo ngại trước thông tin nói rằng, một nhóm người Kurd liên quan tới Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang cố giành quyền kiểm soát các khu vực người Kurd ở miền Bắc Syria.

Trong khi đó, Phái bộ Giám sát của LHQ tại Syria (UNMIS) bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình bạo lực tại thành phố Aleppo trong ngày chiến sự thứ năm liên tiếp, đồng thời xác nhận rằng cả quân nổi dậy lẫn lực lượng chính phủ đều triển khai vũ khí hạng nặng, kể cả xe tăng, máy bay chiến đấu tại Aleppo.

Giới ngoại giao dự kiến Pháp, nước vừa đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ có thể kêu gọi tổ chức phiên họp mới của HĐBA sau ngày 2-8, thời điểm Đại hội đồng LHQ có thể biểu quyết về một dự thảo nghị quyết chống Syria.

Có thể thấy, với sự hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, phe nổi dậy Syria đang mạnh lên từng ngày. Các chuyên gia dự báo việc chấm dứt cuộc xung đột trong nội bộ Syria khó có thể thực hiện được thông qua con đường hòa bình.

Ngày 2-8, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã thông báo, ông Kofi Annan đã từ chức Đặc phái viên chung LHQ-Liên đoàn Arập (AL) về vấn đề Syria trong bối cảnh cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát. Tổng Thư ký Ban Ki-moon bày tỏ “rất lấy làm tiếc” về sự từ chức của ông Annan sau hơn 5 tháng đảm nhận chức vụ này.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Chính phủ Iran đã viện trợ y tế trị giá 1,2 triệu USD cho Chính phủ Syria nhằm “phá vỡ sự bao vây ngành y tế Syria của Mỹ và châu Âu”. Khoản viện trợ này bao gồm 15 xe cứu thương và các thiết bị y tế khác. Đây là đợt viện trợ thứ ba của Iran dành cho Syria, đồng minh khu vực quan trọng nhất của Tehran.

HẠNH CHI (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Chính phủ Syria và phe nổi dậy giằng co từng tấc đất

>> Syria: Quân chính phủ sẽ tổng phản công ở Aleppo

Tin cùng chuyên mục