Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân?

Mỹ, Hàn, châu Âu “bó tay”
Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân?

Trang web 38north.org của Học viện Mỹ - Hàn tại Đại học Johns Hopkins vừa công bố các ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) dường như đã nối lại hoạt động tại bãi thử Punggye-ri, chỉ một thời gian ngắn sau khi nước này thử hạt nhân lần 3. Theo 38north.org, nếu đường hầm thứ hai ở khu vực phía Bắc được sử dụng để thử hạt nhân thứ 3 thì đường hầm phía Nam có thể sẽ sẵn sàng để thử hạt nhân lần 4.

Địa điểm vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Địa điểm vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Mỹ, Hàn, châu Âu “bó tay”

Theo tiết lộ của Reuters, lực lượng tình báo tìm ra dấu vết vụ nổ không chỉ gồm Mỹ, Hàn, còn có sự tham gia của các nước châu Âu song không thể tìm ra Triều Tiên đã sử dụng thiết bị gì để thử hạt nhân và trình độ chế tạo bom hạt nhân đạt đến mức độ nào. Lực lượng không quân Mỹ đã điều những máy bay WC-135 để tìm đầu mối thiết kế thiết bị thử hạt nhân và kiếm bụi phóng xạ từ vụ thử hạt nhân ngầm nhưng vẫn không thể phát hiện được. Tuy nhiên, dựa trên những bằng chứng thu thập từ mẫu đất sau vụ nổ, các chuyên gia quốc tế cho rằng loại thiết bị Bình Nhưỡng sử dụng trong lần thử hạt nhân lần thứ 3 có sức công phá mạnh hơn hai lần thử trước vào các năm 2006 và 2009.

Một quan chức an ninh quốc gia châu Âu nhận xét Triều Tiên rất giỏi che giấu bí mật hạt nhân của mình. Hầu hết các quan chức và chuyên gia đều thống nhất rằng sức công phá quả bom lần này ít nhất phải lên tới 6 - 7 kiloton. Trước đó, tuyên bố về việc thu nhỏ thiết bị hạt nhân của Triều Tiên trở thành mối lo ngại đặc biệt đối với cộng đồng quốc tế, vì nước này đang tiến gần hơn tới đích phát triển được một đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa đạn đạo.

Trừng phạt bằng lệnh cấm vận

Phản ứng trước thái độ ngoan cố và lời cảnh báo sẽ tiếp tục tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố Triều Tiên sẽ phải đối mặt với các biện pháp cấm vận và cô lập ngày càng ngặt nghèo nếu tiếp tục chương trình tên lửa và hạt nhân của mình. Hiện Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt tăng cường đối với Triều Tiên. Hội đồng Bảo an LHQ cho biết sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, cùng ngày Nga đã khẳng định sẽ phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố nước này không chấp nhận bất kỳ biện pháp nào gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ về kinh tế và thương mại với Triều Tiên. Theo Thứ trưởng Gatilov, mục tiêu cần theo đuổi là nối lại đàm phán 6 bên và Nga vẫn giữ quan điểm cần có dàn xếp ngoại giao cũng như chính trị đối với vấn đề này. Trong khi đó, Tokyo đang xem xét phát triển tên lửa hành trình nhằm thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu vào các căn cứ tên lửa của Triều Tiên. Chính phủ Nhật có thể đưa một điều khoản mở đường cho việc chế tạo loại tên lửa trên vào kế hoạch 10 năm sửa đổi về phòng thủ vào cuối năm nay.

Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt sẽ không thể khiến Triều Tiên thay đổi quan điểm chỉ làm đời sống người dân nước này thêm khốn đốn. Thay vì chỉ đưa ra các biện pháp trừng phạt, Mỹ, Hàn Quốc và phương Tây cần kiềm chế và tiến đến đàm phán nhằm tạo cơ hội ngoại giao thực sự để giải quyết vấn đề giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục