Hy Lạp: 5 năm “cứu trợ” bất thành

Hy Lạp trở thành quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và nền kinh tế phát triển trên thế giới đầu tiên rơi vào cảnh vỡ nợ về nguyên tắc sau thời hạn chót ngày 30-6 mà không thể trả nợ 1,6 tỷ EUR cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Hy Lạp: 5 năm “cứu trợ” bất thành

Hy Lạp trở thành quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và nền kinh tế phát triển trên thế giới đầu tiên rơi vào cảnh vỡ nợ về nguyên tắc sau thời hạn chót ngày 30-6 mà không thể trả nợ 1,6 tỷ EUR cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Các cuộc đàm phán sắp tới với các chủ nợ sẽ khó khăn hơn và nguy cơ Hy Lạp rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày càng cao.

Cán bộ Ngân hàng quốc gia Hy Lạp giải thích với người hưu trí về việc chậm trả lương hưu

Thất bại

Việc Hy Lạp phá sản đồng nghĩa kế hoạch cứu trợ Hy Lạp kéo dài 5 năm qua của EU với tổng số tiền 240 tỷ EUR bị thất bại. Chính sách thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ (Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF) áp đặt với Hy Lạp đẩy cuộc sống của người dân nước này ngày càng tồi tệ khiến Chính phủ Hy Lạp không muốn tiếp tục thực hiện và có vẻ sẵn sàng chấp nhận để Hy Lạp rời khỏi khối 16 nước Eurozone. Hãng tin Sputnik dẫn lời Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, Hy Lạp không thể đồng ý với điều kiện của “bộ ba chủ nợ”. Các đối tác châu Âu yêu cầu chúng tôi đẩy thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên mức 23%, trong khi thuế GTGT của các đối thủ cạnh tranh là 10%. “Bộ ba” muốn Hy Lạp tự sát kinh tế, vào đúng mùa du lịch. Đây là lĩnh vực duy nhất tạo việc làm cho người dân của quốc gia có hàng triệu người thất nghiệp. Ông nói: “Họ không yêu thích gì Chính phủ Hy Lạp. Họ đã không hành xử như thể với chính phủ bất kỳ quốc gia nào khác”. Nhiều người Hy Lạp tin rằng chí ít chính phủ này đang bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 1-7 đã gửi thư tới các chủ nợ chấp nhận hầu hết các điều kiện đã được các chủ nợ đưa ra trước đó. Đổi lại, Hy Lạp mong muốn nhận gói cứu trợ kéo dài 2 năm lên tới 29,1 tỷ EUR. Cụ thể, ông Tsipras chấp nhận một hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT) 3 nấc mới, nhưng muốn giảm 30% thuế suất (điều này các chủ nợ bác bỏ); đến năm 2020, chấp nhận ngừng chi trả lương hưu cho 200.000 người nhưng không đồng ý cắt giảm ngay 20% người nhận lương hưu theo yêu cầu của chủ nợ; cắt giảm chi tiêu quân sự 200 triệu EUR vào năm 2016 và 400 triệu EUR trong năm 2017 (các chủ nợ đòi cắt giảm ngay 400 triệu EUR). EU cho biết họ muốn đợi kết quả cuộc trưng cầu dân ý trước khi đàm phán tiếp với Hy Lạp.

EU không khoan nhượng

Nhiều lãnh đạo EU và IMF thẳng thừng cho rằng cánh cửa với Hy Lạp giờ đã khép. Theo Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Thời gian đã hết. Chúng tôi sẽ không đàm phán về bất cứ điều gì mới ở tất cả cấp độ cho đến sau khi có kết quả trưng cầu dân ý”.

Trước cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi cử tri bỏ phiếu hãy lựa chọn “không” với các điều kiện thắt lưng buộc bụng của chủ nợ; nếu kết quả ngược lại, ông sẽ từ chức. EU giờ đây đang tính đến kịch bản người dân bỏ phiếu thuận với các điều kiện thắt lưng buộc bụng để chính phủ của ông Tsipras phải ra đi và họ sẽ đàm phán với lãnh đạo mới của Hy Lạp. Nếu kết quả là “không” như ông Tsipras mong đợi thì ông vẫn là thủ tướng nhưng gần như chắc chắn Hy Lạp phải rời Eurozone.

Hiện giờ, ECB cũng đã đóng băng mức trần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng của Hy Lạp. Trong khi đó, các hãng xếp hạng tiếp tục hạ bậc tín nhiệm dài hạn của nước này. Hy Lạp đang trong tình thế tuyệt vọng vì không có một gói cứu trợ khác. Theo BBC, nếu nước này không thể trả nợ cho ECB vào ngày 20-7 thì đó thực sự là dấu chấm hết. Quan ngại ngày càng tăng cao khi Hy Lạp vỡ khối nợ công lên đến 323 tỷ EUR.

Trong cảnh hỗn loạn, hàng ngàn người già Hy Lạp ngày 1-7 đã bao vây ngân hàng khi các ngân hàng mở cửa trở lại để cho phép họ để rút lương hưu bằng tiền mặt. Athens hiện nay đã mở cửa trở lại gần 1.000 chi nhánh ngân hàng trong 3 ngày để cho phép người về hưu không có các loại thẻ ngân hàng rút tối đa 120 EUR trong 1 tuần. Trước đó Thủ tướng Alexis Tsipras ra lệnh cho các ngân hàng đóng cửa trong vòng một tuần và áp dụng kiểm soát vốn chặt chẽ để ngăn chặn khả năng sụp đổ. Cũng theo quy định, mỗi người dân Hy Lạp chỉ có thể rút 60 EUR/1 thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Nhiều người già về hưu cho biết số tiền ít ỏi họ được rút không đủ để chữa bệnh.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục