Mỹ, Đức hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng pháp quyền khi xử lý những người âm mưu đảo chính

>>
Mỹ, Đức hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng pháp quyền khi xử lý những người âm mưu đảo chính

>> Thổ Nhĩ Kỳ bổ nhiệm quyền Tổng Tham mưu trưởng quân đội
>> Vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ: Đại tá Kose là thủ lĩnh
>> Vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ: Phản ứng của Liên Hợp Quốc, EU và NATO
>>
Thổ Nhĩ Kỳ đẩy lùi âm mưu đảo chính quân sự 

* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen

Ngày 16-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng nguyên tắc pháp trị khi họ bắt giữ những người bị nghi cầm đầu âm mưu đảo chính.

Theo Nhà Trắng, ông Obama đã nhấn mạnh rằng, tất cả các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ cần phải hành động trong khuôn khổ nền pháp quyền và tránh những hành động có thể gây thêm bạo lực hoặc bất ổn.

Mỹ, Đức hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng pháp quyền khi xử lý những người âm mưu đảo chính ảnh 1 

Các quân nhân đảo chính trên cầu Bosphorus, thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hạ vũ khí đầu hàng ngày 16-7. Ảnh: Getty Images

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên án vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất", nhưng cũng đồng thời kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan xử lý những kẻ âm mưu đảo chính theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Trong một diễn biến khác liên quan, một nguồn tin quân sự Mỹ ngày 16-7 cho biết, Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu đã ra lệnh cho các lực lượng Mỹ trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các biện pháp bảo vệ tối đa sau vụ đảo chính quân sự diễn ra ở quốc gia này.

Nguồn tin trên nêu rõ: "Chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ tiến hành tất cả các nỗ lực có thể để bảo đảm an toàn và an ninh cho các binh sĩ, nhân viên, gia đình của họ và cơ sở của chúng tôi".

Quân đội Mỹ có khoảng 2.200 binh sĩ và nhân viên dân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO và đối tác quan trọng của Washington trong khu vực. Khoảng 1.500 trong số đó đồn trú tại Incirlik, căn cứ quân sự ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các máy bay Mỹ triển khai các cuộc oanh kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Quần áo của quân đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ bỏ lại trên đường. Ảnh: Getty Images

Trong ngày 16-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sinh sống tại bang Pennsylvania (Mỹ), về quy án tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông tin từ TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại thành phố Istanbul chiều 16-7, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải dẫn độ giáo sĩ Gulen, nhân vật mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đã lên kế hoạch và chỉ đạo âm mưu đảo chính quân sự bất thành đêm 15-7 tại quốc gia này. Ông Erdogan thông báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, giáo sĩ Gulen đã đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và cần phải bị dẫn độ. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Tôi kêu gọi nước Mỹ và ngài Tổng thống Obama bàn giao người này cho chúng tôi".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, Washington hiện vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị dẫn độ chính thức nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu từ Luxembourg ngày 16-7, ông Kerry nói rằng Mỹ sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ đảo chính nhưng Ankara cần phải chia sẻ các bằng chứng mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có được nhằm chống lại giáo sĩ Fethullah Gulen.

Giáo sĩ Fethullah Gulen. Ảnh: Hizmetchronicle

Giáo sĩ Fethullah Gulen (75 tuổi) hiện đang sống lưu vong tại thị trấn miền núi Poconos ở Saylorsburg, bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999 và bị cáo buộc tội phản quốc. Sau khi rời bỏ Thổ Nhĩ Kỹ, nhân vật này đã bị chính quyền Erdogan cáo buộc có các hoạt động Hồi giáo cực đoan dù trước đó từng là đồng minh của ông Erdogan. Ông Gulen Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên Fethullah Gulen.

Hầu hết các nước Trung Đông đã lên án âm mưu đảo chính quân sự do một nhóm binh sĩ và sĩ quan trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ngày 15-7 nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Hai cường quốc ở khu vực là Iran và Israel đã bày tỏ hoàn toàn ủng hộ chính quyền Ankara sau khi xảy ra vụ đảo chính quân sự. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ca ngợi tinh thần của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bảo vệ dân chủ cũng như chính phủ do họ bầu ra. Theo ông Zarif, điều này cho thấy đảo chính không có chỗ đứng trong khu vực và sẽ sớm thất bại. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Emmanuel Nahshon cho biết: "Israel luôn tôn trọng tiến trình dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ và mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước".

Saudi Arabia cũng hoan nghênh việc chính quyền Tổng thống Erdogan đã kiểm soát tình hình sau khi đập tan âm mưu đảo chính quân sự.

Qatar, một trong những đồng minh thân cận nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Vịnh, lên án âm mưu đảo chính quân sự, đồng thời gửi lời chúc mừng tới ông Erdogan sau khi tình hình đã được kiểm soát.

Kuwait, Bahrain, Oman và Sudan cũng gửi thông điệp tương tự tới Thổ Nhĩ Kỳ, chúc mừng Tổng thống Erdogan và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đập tan âm mưu đảo chính của một nhóm binh sĩ và sĩ quan trong quân đội, đồng thời lên án mọi âm mưu đảo chính nhằm làm phương hại sự ổn định tại quốc gia láng giềng này.

NGUYỄN HỮU (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục