Nguy cơ đói ở miền Trung

Thời tiết miền Trung như mọi năm đang vào giai đoạn nắng hạn cao nhất, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Điều đáng lo ngại là hậu quả của thời tiết ngày càng trầm trọng.

Mức độ thiếu nước giải hạn trên các sông suối đã đến lúc báo động. Chẳng hạn vùng hạ du sông Vu Gia thuộc Quảng Nam và Đà Nẵng, hơn nửa tháng trước đây đã thiếu nước không chỉ cho các trạm bơm tưới, mà thiếu cả nguồn nước không nhiễm mặn cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt. Đây là điều chưa từng thấy khoảng 4-5 năm về trước.

Nước sử dụng cho sinh hoạt vùng đô thị đều dựa vào các con sông lớn, tuy nhiên ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An, khi thủy điện tích nước vào mùa khô thì các con sông gần như thành những con lạch nhỏ. Thiếu nước cho sinh hoạt là điều tất yếu.

Thế nhưng, khó khăn nhất chưa phải là vùng đô thị, đồng bằng mà phát sinh các khu vực bán sơn địa và miền núi. Ở Gia Lai, người dân ven sông Ba vốn sống nhờ vào nguồn nước dòng sông này. Vậy mà hầu hết nước từ thượng nguồn sông Ba đều bị thủy điện An Khê - Ka Nak tích lại rồi đổ ra sông Kôn (Bình Định) nên sông Ba trở nên khô cạn.

Nhiều người dân ở làng Dơng, xã Kông Yang, huyện Kông Chro cho biết: “Năm nay, mới vào mùa nắng mà cả làng đã thiếu nước. Mỗi ngày phải thay phiên hai lần đi ngược lên sông Ba cách nhà 5 - 6km lấy nước về uống, nấu ăn. Hầu hết mọi người đều đi bộ lấy nước do không có tiền đổ xăng xe máy”. Tình hình này tương tự ở các huyện miền núi Quảng Nam như Nam Giang, Tây Giang, Bắc Trà My...

Các sông lớn do thủy điện tích nước cạn đã đành, sông suối nhỏ bị cày xới, thải chất cyanua do nạn đào đãi vàng đục ngầu, đặc quánh lại... Bà con lên thượng lưu dòng suối vất vả bắc ống tìm nguồn nước sinh hoạt. Đây quả là thảm cảnh cho đồng bào các dân tộc miền núi, điều trong quá khứ chưa xảy ra bao giờ, dù trong mùa hạn hán nặng.

Mất rừng, mất sông, mất mạch nước ngầm, sa mạc hóa cục bộ... là những hệ lụy khủng khiếp nhất trong thập niên qua ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đất bị sa mạc hóa tăng dần trên khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, những vùng đất trống, đất cát ven biển và đất nghèo bị suy thoái.

Hiện hầu hết các tỉnh miền Trung, nhiều diện tích vào vụ hè thu chậm hơn mọi năm vì thiếu nước. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện mọi giải pháp tu sửa các cánh cống, triển khai lắp đặt lại các trạm bơm dã chiến và bơm chuyền nhiều lần, cấp nước cho các vùng xa, vùng cao, cuối kênh và tổ chức xe chở nước ngọt đến vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng chịu tác động của nguồn nước mặn để có nguồn nước ngọt cung cấp cho bà con. Tránh tình trạng tư nhân lợi dụng ép giá đẩy giá nước ngọt lên cao.

Đó là trước mắt, lâu dài không thể không có quy hoạch phân bố nguồn nước ở miền Trung. Không phải dòng sông nào cũng làm thủy điện. Càng không thể chuyển dòng chảy của sông lớn để chỉ phục vụ thủy điện (như trường hợp thủy điện Đăk Mi 4 ở Phước Sơn, Quảng Nam) làm mất cân đối sinh thái trầm trọng.

Phục hồi và bảo vệ rừng, chống sa mạc hóa phải trở thành hệ thống luật pháp với các chế tài nghiêm khắc. Nếu không làm ngay từ bây giờ, nguy cơ thiếu nước, đói lương thực, hệ sinh thái bị phá hủy sẽ dần đẩy con người vào đường cùng. Đó còn chính là trách nhiệm của chúng ta đối với tương lai.

Trần Kha

Tin cùng chuyên mục