Kỳ vọng cú hích TPP

Như Báo SGGP đã đưa tin, từ ngày 24 đến 26-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Hiện nay, Hoa Kỳ đang đóng vai trò quan trọng trong Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bởi vậy, chuyến công du tới Hoa Kỳ lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bên cạnh ý nghĩa quan trọng về chính trị, còn được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán TPP của Việt Nam.

TPP là một định chế thương mại đa phương giữa 12 nước gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, Việt Nam và Nhật Bản. Theo giới chuyên gia, TPP là hiệp định tự do thương mại đa phương có phạm vi rộng nhất, bao trùm các nội dung truyền thống như thuế quan, dịch vụ tài chính, đầu tư và các vấn đề về môi trường, lao động, chống tham nhũng… Khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỷ USD và tăng lên 37,5 tỷ USD nếu Nhật Bản tham gia TPP. Khởi động đàm phán từ tháng 10-2010, đến nay Việt Nam đã qua 17 vòng đàm phán TPP, đang chờ đợi một kết quả tại vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến được tổ chức vào tháng 10 tới.

Theo Bộ Công thương, mục tiêu lớn nhất khi Việt Nam tham gia TPP sẽ tăng cường lợi thế xuất khẩu sang các nước thành viên TPP thông qua việc các nước này miễn hoặc giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam. TPP đặt ra yêu cầu rất cao là xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, trừ nhóm các mặt hàng có lộ trình 3 - 5 năm hoặc 10 năm. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực thị trường thương mại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã là thành viên của TPP như Hoa Kỳ hoặc sắp tới là Nhật Bản. Một ví dụ là năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Việt Nam là dệt may đạt hơn 15 tỷ USD, trong đó 50% là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Hiện nay, thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ là 17,3% - 32%, nhưng khi tham gia TPP, hàng dệt may của Việt Nam được hưởng thuế suất 0%, đem lại lợi ích rất lớn. Theo tính toán, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng từ 7% hiện nay lên 12% - 13%, thu về khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025.

Tương tự, mặt hàng da giày, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu 7,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 31%. Nếu hiệp định TPP được ký kết, mặt hàng này cũng được hưởng thuế suất 0% thay vì mức 12% hiện nay. Bên cạnh đó, các mặt hàng lúa gạo, nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn vì các đối thủ chính là Thái Lan, Ấn Độ chưa tham gia đàm phán TPP… Chính vì thế, TPP được kỳ vọng là cú hích mới cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời khơi thông dòng vốn FDI và quan hệ chặt chẽ hơn với chuỗi sản xuất quốc tế.

Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại quốc tế, cơ hội bao giờ cũng gắn liền với thách thức. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi vì Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu. Như vậy, để phát huy được cơ hội từ TPP, cơ cấu sản xuất đối với hàng xuất khẩu phải dựa vào nội lực nhiều hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần nhanh chóng tìm hướng chuyển đổi vùng nguyên liệu của mình nếu như không muốn tuột khỏi tay những ưu đãi mới. Ngoài ra, các quy định kỹ thuật của nội khối TPP như bao bì, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Một số chuyên gia cũng đánh giá rằng hàng Việt Nam có khả năng phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu tăng được kim ngạch xuất khẩu vào các nước TPP. Một thách thức khác là thị trường nội địa có thể bị thu hẹp khi hàng hóa của các thành viên TPP vào Việt Nam được gỡ bỏ mức thuế trung bình 11,7% hiện nay.

Từ khi mở cửa tới nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều định chế tài chính thương mại đa phương. Những kinh nghiệm, bài học đắt giá chúng ta nhận được sau 6 năm gia nhập WTO, 17 năm tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN… sẽ rất hữu ích khi xây dựng chiến lược để tham gia TPP. Còn nhớ khi gia nhập WTO chúng ta đã hào hứng ra sao với những cơ hội mới, để rồi sau đó vài năm chúng ta cay đắng nhận ra rằng với các “cuộc chơi” mang tính quốc tế, mọi điều đều không dễ dàng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thấp khiến các cơ hội mà hội nhập mang lại không được tận dụng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nội “thua trên sân nhà” khi thị trường mở ra cho các nhà đầu tư ngoại. Bởi thế, dù thấy rõ những lợi ích mà TPP mang lại, nhưng để không lặp lại những gì trong quá khứ, chúng ta phải sớm nhận rõ các thách thức đặt ra để đề ra giải pháp hóa giải. Nếu không, cú hích mới vẫn có thể mang lại những tác dụng ngược trong quá trình hội nhập.
BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục