Tham nhũng do đâu?

Những ngày cuối năm 2013 và đầu năm 2014, hàng loạt vụ đại án được đưa ra xét xử như vụ Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, Huỳnh Thị Huyền Như… thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ngoài ra, người dân cũng đang chờ đợi các vụ đại án sắp tới cũng sẽ được đưa ra xét xử, đơn cử như vụ bầu Kiên. Có thể coi, đó là câu trả lời sinh động nhất của Đảng, Nhà nước đối với đòi hỏi của dân: Phải đưa các vụ tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng; phải vạch lá “bắt sâu” đang làm ung nhọt xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Trong bối cảnh người dân hết sức quan tâm đến những con số gây nhức nhối tâm can được Dương Chí Dũng khai trong phiên tòa xử Dương Tự Trọng, hôm qua 8-1, Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành thanh tra đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một lần nữa, kết quả thanh tra lại khiến chúng ta giật mình. Chỉ riêng trong năm 2013, về lĩnh vực phòng chống tham nhũng (PCTN), ngành thanh tra đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 354 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng và chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 28 vụ việc với 89 người.

Trước đó, trong cuộc làm việc hồi đầu tháng 12-2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kết quả thanh tra PCTN từ đầu nhiệm kỳ (2011 - 2013) cho thấy trong 3 năm qua ngành thanh tra đã phát hiện, xử lý tham nhũng 319 vụ, 517 người có dấu hiệu tham nhũng với gần 500 tỷ đồng và 6,3ha đất; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ, 235 người. Như vậy, những con số về số vụ phát hiện, điều tra tham nhũng không hề nhỏ, nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Vì lẽ, không biết bao nhiêu lần, tại diễn đàn quốc hội, các vị đại biểu dân cử đã cho rằng kết quả PCTN mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, các vụ tham nhũng bị đưa ra ánh sáng mới chỉ là các vụ tham nhũng vặt... Nỗi nhức nhối của các vị đại biểu Quốc hội, của người dân vẫn là kết quả PCTN chưa tương xứng với thực tế đang diễn ra. Có thể nói sức công phá của các vụ tham nhũng, tiêu cực đến niềm tin của nhân dân, đến thành quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung là vô cùng lớn.

Có thể những con số mà Dương Chí Dũng khai ra chưa phải là tất cả sự thật, nhưng ít nhất nó cũng khiến chúng ta đau lòng nhận ra, tiêu cực, lãng phí, tham ô, hối lộ... đang là một thực tế mà Đảng, Nhà nước phải quyết tâm ngăn chặn, dù cái giá phải trả có đắt đến mức nào. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc trò chuyện với cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội vào đầu tháng 12-2013 đã từng nói, “tệ nhất là tham nhũng ngày càng phổ biến, thành đường dây, chứ không phải từng người ăn mảnh”, và “còn quyền lực là còn tham nhũng”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã từng đặt câu hỏi: “Có hay không tham nhũng ngay trong chính những người chống tham nhũng?”. Dẫn lại để thấy, tiêu diệt tội phạm tham nhũng không chỉ là nguyện vọng của người dân mà còn là ý chí của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.

Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao quyết tâm PCTN càng được đẩy mạnh mà các vụ tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, nếu chưa muốn nói là tăng lên và ngày càng nhiều đại án tham nhũng? Tại sao một cán bộ ngân hàng bình thường như Huỳnh Thị Huyền Như lại có thể dễ dàng trở thành “siêu lừa” với gần 4.000 tỷ đồng? Tại sao một Cục trưởng Cục Hàng hải lại nói mình có tới 500.000 USD để đi hối lộ?... Phải chăng là ngoài sự tha hóa, ý thức lợi dụng chức vụ của những con người đó, còn quá nhiều sơ hở, còn quá nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực khiến cho tiêu cực, tham nhũng dễ bề nảy sinh. Nếu vậy thì không ai khác là ngành thanh tra, kiểm toán phải làm việc hết sức để sớm phát hiện, ngăn chặn những sai phạm đó, để tham mưu cho Nhà nước “vá” hết những lỗ hổng về mặt cơ chế, chính sách, từ đó ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng hiệu quả hơn.

Khi không sơ hở về mặt cơ chế, chính sách, quản lý cán bộ chặt chẽ, thì dù có muốn lợi dụng chức vụ để tiêu cực, tham nhũng cũng không thể thực hiện dễ dàng như các vụ án đã và đang xét xử.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục