Giữ nền Văn minh miệt vườn

ĐBSCL là vùng duy nhất của cả nước tiếp giáp biển Đông và biển Tây với bờ biển dài khoảng 750km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, bao gồm hàng chục cửa sông lớn và 7 tỉnh có biển. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng nuôi trồng; đồng thời chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản, chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước.

ĐBSCL là vùng duy nhất của cả nước tiếp giáp biển Đông và biển Tây với bờ biển dài khoảng 750km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, bao gồm hàng chục cửa sông lớn và 7 tỉnh có biển. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng nuôi trồng; đồng thời chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản, chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, khoảng 2 thập niên trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bờ biển ĐBSCL bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều nơi sạt lở nặng, lấn sâu vào bờ hàng chục mét, nước mặn ngày càng tràn sâu vào nội đồng, gây không ít khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân ven biển.

Trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, việc xây dựng đê biển, bảo vệ bờ biển ĐBSCL đã được trung ương quan tâm sát sao. Từ năm 2011 đến nay, năm nào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đi khảo sát ven biển ĐBSCL, có lúc đi bằng đường bộ, có lúc bay trực thăng.

Như trong các ngày từ cuối tuần trước đến giữa tuần này, Chủ tịch nước đã đi khảo sát ven biển 4 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, chưa kể hàng chục chuyến khảo sát trước đó của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Từ mối quan tâm đó, theo chủ trương của trung ương, từ năm 2009, dự án đê biển ĐBSCL bắt đầu được xây dựng kiên cố. Đến nay đã hoàn thành hơn 10 dự án đắp đê, làm kè, xây cống. Việc triển khai dự án bước đầu đã mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn tác động từ biển, từng bước bảo đảm an toàn dân sinh, ổn định sản xuất. Trong đó điển hình là đê biển Gò Công (Tiền Giang) Giồng Bàng, Trường Long Hòa (Trà Vinh); đê biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… Tuy nhiên, đánh giá chung do kinh phí hạn chế nên việc đầu tư còn mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ, chủ yếu tập trung tôn cao áp trúc thân đê, việc trồng cây chắn sóng, bảo vệ mái đê, chống xói lở và cứng hóa mặt đê chưa được quan tâm đúng mức, chưa chú trọng kết hợp giao thông ven biển.

Nước ta là một trong 5 nước chịu tác động mạnh của nước biển dâng, việc nghiên cứu tìm ra những giải pháp phù hợp, hạn chế sự tác động từ biển bảo vệ dân sinh và môi trường là hết sức quan trọng, trong đó có việc xây dựng đê biển là rất cần thiết. Tuy nhiên, chủ trương xây dựng đê biển thời gian qua cũng vấp phải không ít ý kiến phản đối vì những dự án này tốn không ít công sức và tiền của, thậm chí không khéo làm biến dạng môi trường, môi sinh ven biển. Do vậy, phòng chống tình trạng sạt lở đất trong ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ bắt buộc. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tìm được giải pháp kỹ thuật tối ưu để triển khai ứng dụng trên diện rộng. Việc xây dựng, kiên cố hóa tuyến đê biển không thể tính bằng năm, do vậy các cơ quan chức năng, nhất là các nhà khoa học cần đề xuất và triển khai thực nghiệm càng nhiều càng tốt các giải pháp kỹ thuật phòng ngừa sạt lở đất. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng đê biển cần quan tâm đến việc xây kè và cống vừa tránh hiện tượng sạt lở vừa tạo nên hệ thống giao thông liền mạch, nhưng trên hết các tỉnh cần hết sức quan tâm đến việc phát triển vành đai rừng phòng hộ, giữ rừng chính là giải pháp quan trọng bảo đảm sự an toàn cuộc sống của chính người dân ven biển.

“Nếu biết rằng, nửa sau của thế kỷ 21 này, sẽ không còn ĐBSCL - một vựa lúa nuôi sống cả nước; sông Tiền sông Hậu sẽ là hai con sông chết vì thiếu nguồn nước ngọt do những con đập thượng nguồn nhưng lại dư độ mặn do biển Đông dâng cao. Với hậu quả là sẽ không còn một nền Văn minh miệt vườn, không còn một phần hình hài trẻ trung và đầy sức sống của cả nước. Trước kịch bản ấy, không thể không làm một điều gì và lời giải đáp chắc chắn đòi hỏi rất nhiều trí tuệ, khởi đi từ tinh thần sáng tạo, hình thành một ý tưởng lớn cùng với ý chí và quyết tâm thực hiện. Và cũng để nhắc lại, là sẽ không có cái giá để mặc cả và thời gian thì có thể hơn giới hạn một đời người, để bảo vệ vùng đất linh địa của dân tộc Việt” - một nhà khoa học tâm huyết, sống xa quê hương trăn trở như vậy về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Rõ ràng, các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL không chỉ là cho một phần đất đai màu mỡ của Việt Nam, mà là cho một vựa lúa quan trọng của thế giới, như lời Chủ tịch nước căn dặn khi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: Để ĐBSCL tiếp tục phát huy thế mạnh tăng trưởng nhanh và bền vững, lãnh đạo của các tỉnh trong vùng cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ tác hại nhiều mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ứng phó kịp thời và có hiệu quả trước thảm họa thiên tai liên quan đến 22 triệu dân là công việc đại sự và là thách thức rất lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tìm ra được giải pháp kỹ thuật, phương thức ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài vì sự phát triển bền vững của vùng đất giàu đẹp này.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục