Đại lộ Nguyễn Văn Linh – Công trình của tầm nhìn mới

Đại lộ Nguyễn Văn Linh – Công trình của tầm nhìn mới
 

Công trình vinh dự mang tên Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: đại lộ 10 làn xe nối liền các quận huyện trong TPHCM và xuyên suốt Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (ảnh) sẽ được hoàn tất và đưa vào sử dụng vào tháng 12-2007.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh – Công trình của tầm nhìn mới ảnh 1

Ngay từ khi mới được khởi công, Đại lộ Nguyễn Văn Linh đã nhận được nhiều sự kỳ vọng của nhà đầu tư là Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng cũng như các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng Nam TPHCM. Trong suốt quá trình xây dựng, con đường này đã nhận được những tên gọi ý nghĩa như đường Bình Thuận, đường Bắc Nhà Bè-Nam Bình Chánh, Đại lộ Nam Sài Gòn.

Quả thật, cho đến ngày hôm nay, khi đại lộ đang trong giai đoạn khẩn trương được hoàn tất, người dân thành phố và các vùng lân cận mới nhận thấy hết ý nghĩa chiến lược của con đường huyết mạch này. Công trình này đã được xây dựng trong những năm tháng cả nước đang tiến hành công cuộc đổi mới.

Đến nay, khi đại lộ được hoàn thành cũng là lúc cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang phấn khởi bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội. Chính vào thời điểm quan trọng này, sự lưu thông của một đại lộ thênh thang góp phần không nhỏ cho việc đảm bảo tốc độ phát triển mà thành phố cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mong đợi, góp phần cổ vũ tinh thần dám nghĩ dám làm.

Tính thời điểm, sự đúng lúc là những yếu tố vô cùng quan trọng trong sự phát triển. Nó thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo và nhà đầu tư. Đại lộ Nguyễn Văn Linh được khởi công hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã là một ví dụ điển hình của tính thời điểm. Vào hồi đó, nhiều người vẫn còn nghi ngờ tính khả thi và hiệu quả của một con đường lớn bắt qua khu Nam thành phố. Nhưng vào thời điểm đó, các vị lãnh đạo của thành phố và Chính phủ đã nhanh chóng nhìn rõ tầm chiến lược của công trình. Hơn nữa, lúc đó Việt Nam cần vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư của Tập đoàn CT&D đã nhìn rõ thời cơ và họ đã quyết định táo bạo là đổ tiền bạc, công sức vào công trình này. Việc đầu tư xây dựng Đại lộ Nguyễn Văn Linh góp phần giải quyết ách tắc giao thông của TPHCM. Đây là trục giao thông chính của khu đô thị Nam thành phố. Đại lộ Nguyễn Văn Linh góp phần giải tỏa tình trạng ứ đọng xe trên tỉnh lộ 15, đường Nguyễn Tất Thành, đồng thời phục vụ việc vận chuyển hàng hóa vào ra trung tâm thành phố, Khu chế xuất Tân Thuận, Cảng Sài Gòn…

Đại lộ Nguyễn Văn Linh trở thành huyết mạch giao thông nối liền phía Tây (quốc lộ 1A và đường cao tốc TPHCM đi Trung Lương) với phía Đông (cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn sang quận 2 đi các tỉnh miền Đông).
 
Đại lộ Nguyễn Văn Linh là công trình hạ tầng lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất mà Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng đã thực hiện. Con đường đẹp như một dải lụa dài 17,8km, có 10 làn xe, rộng 120m, được đầu tư hơn 79 triệu USD. Để vượt qua một vùng địa hình có nhiều sông lạch, đại lộ có nhiều cây cầu mà tổng chiều dài của chúng là 3.146m.

Điều đáng lưu ý là trong 10 cây cầu thì có 3 chiếc được xây dựng theo kiểu vòm bê tông cốt thép, có khẩu độ nhịp giữa là 100m đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, do không có trụ cầu dưới sông, đồng thời tăng vẻ mỹ quan đô thị. Cần Giuộc, Xóm Củi và Ông Lớn là 3 cây cầu dạng vòm lần đầu được xây dựng tại Việt Nam theo công nghệ của Thụy Sĩ.

Bất cứ ai đã từng đến vùng đầm lầy hoang sơ của huyện Nhà Bè và Bình Chánh xưa cách đây 15 năm thì bây giờ hẳn sẽ ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất nay đã thành khu đô thị mới văn minh hiện đại. Đại lộ thênh thang, lộ giới thật xứng đáng với tầm vóc đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là đòn bẩy phát triển của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để có một con đường như hôm nay, những nỗ lực được huy động không chỉ đơn giản là tiền bạc đầu tư mà chính là cái tâm và tầm nhìn của những nhà hoạch định chính sách và của nhà đầu tư vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước

SƠN NGỌC - THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục