Có những Khu phố văn hóa… chưa văn hóa

...Thật đáng buồn vì có nhiều nơi được công nhận là “điểm sáng văn hóa” mà lại tồn tại nhiều chuyện thiếu văn hóa (VH). VH kiểu gì mà ở ngay phía dưới biển hiệu “khu phố VH” là cảnh buôn bán nhếch nhác, là lấn chiếm hẻm, mất vệ sinh, nhạc nhéo ầm ĩ…
Có những Khu phố văn hóa… chưa văn hóa

...Thật đáng buồn vì có nhiều nơi được công nhận là “điểm sáng văn hóa” mà lại tồn tại nhiều chuyện thiếu văn hóa (VH). VH kiểu gì mà ở ngay phía dưới biển hiệu “khu phố VH” là cảnh buôn bán nhếch nhác, là lấn chiếm hẻm, mất vệ sinh, nhạc nhéo ầm ĩ…

  • Lấn chiếm hẻm, mất vệ sinh, nhốn nháo, inh ỏi…

Phường 12 (quận 4) là một trong 3 phường, xã đầu tiên của thành phố được công nhận phường, xã VH. Đến đây, chúng tôi thấy đúng là đường sá có khang trang, nhưng dưới tấm bảng to đùng: “Nhân dân khu phố 1 quyết tâm giữ vững danh hiệu khu phố VH”, là một bãi đậu xe taxi chiếm hết hơn nửa con đường phía ngoài.

Vào sâu bên trong, hai bên con hẻm bị người dân tận dụng tối đa làm nơi buôn bán, dịch vụ, bàn ghế bày lấn “vô tư” ra lòng đường. Xem các thiết chế VH của phường, chúng tôi hỏi một số người dân về Nhà VH ở đâu, nhưng chẳng ai biết.

Chạy vòng một hồi, chúng tôi cũng bắt gặp tấm bảng nhỏ với dòng chữ Nhà VH phường 12 ngay đầu hẻm 109. Nhưng nó đóng cửa im ỉm, không một bóng người, mặc dù đang là 9 giờ 15 phút sáng. Hôm sau, lúc 3 giờ chiều, Nhà VH phường này cửa vẫn đóng then vẫn cài và chẳng thấy bất kỳ dòng chữ nào quy định giờ giấc mở cửa và đóng cửa.

Có những Khu phố văn hóa… chưa văn hóa ảnh 1

Nhà VH phường 12 quận 4 “cửa đóng then cài”.

Đến phường Tân Quy, quận 7, một phường vừa ra mắt phường VH. Các hộ dân hai bên đường Nguyễn Thị Thập hiện đang tiến hành di dời vào bên trong, nhưng do “thói quen” nên vẫn bày ghế, dù, tủ ra tận sát mặt đường. Vào đường Mai Văn Vĩnh, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tương tự. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè đã “tư nhân hóa” bởi các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Nhìn qua, không ai nghĩ đây là tuyến đường của một phường đang trên đường phấn đấu trở thành phường VH. Khu phố 11 phường 17, quận Gò Vấp vừa được công nhận khu phố VH cách đây hơn một tháng. Thế nhưng, trừ ngày lễ ra mắt, còn lại ngày nào cũng thấy quần áo, vật dụng cá nhân được phơi ngay ngoài đường, xả rác và móc quần áo trên hàng rào của khu vực đối diện ở đường An Nhơn.

Đến khu phố 5, phường 4 quận 3, chị M.H nhà ở đường Vườn Chuối, kể: Sống trong khu phố VH mà nhà gần đó tổ chức đám tang rình rang, kèn trống inh ỏi, kéo dài gần chục ngày, tiêu tốn cả trăm triệu đồng. Ngày đưa đám, xe và người đưa tang nối dài gần hết cả con đường, gây ùn tắc giao thông một hồi lâu. Nhưng cứ cho đây là chuyện đau buồn nên chẳng thấy ai đến nhắc nhở, dù theo tiêu chuẩn khu phố, VH là phải thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội...

  • Văn hóa ở đâu?

Ở khu phố 5 phường Tăng Nhơn Phú A quận 9, khi họp tổ dân phố người dân yêu cầu không nhận danh hiệu khu phố VH vì vệ sinh môi trường quá kém hơn 3 năm nay, người dân ở đây phải sống trong tình trạng ngập lụt triền miên. Chị Đỗ Thị Mai, ngụ số 229/7 đường Man Thiện bức xúc: “Bây giờ ở đây san lấp hết kênh mương rồi mà cầu tiêu trên kênh vẫn không được dỡ, người ta cứ vô tư tiểu tiện, phóng uế xuống kênh, vứt đồ dơ khắp các nền nhà của người đã di dời. Khi nước lên cuốn theo phân, rác, vào nhà, hôi thối không chịu nổi! Như thế mà nhận là khu phố VH coi không được”.

Có những Khu phố văn hóa… chưa văn hóa ảnh 2
Một hẻm của Khu phố văn hóa 5 phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 bị lấn chiếm bởi các quầy hàng.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ phụ trách Phòng VH thông tin phường VH Phước Bình thì kể: Hôm nọ có một cán bộ hưu trí đến mượn sách pháp luật, tôi phải “chữa cháy” bằng cách dẫn bác ấy vào tủ sách pháp lý của phòng tư pháp, chứ từ ngày ra mắt phường VH tới giờ, phường đã xây dựng được tủ sách đâu!”. Chị Thúy cho biết trước đây lãnh đạo phường cũng đã tính đến chuyện lập thư viện nhưng cũng chỉ là dự định và đến giờ vẫn chưa làm được. Đã không có thư viện, tủ sách, mà ngay cả nhà VH cũng chỉ mới “động thổ”, dù phường đã được công nhận VH gần 2 năm nay.

Nói về chuyện khu phố VH, chú Nguyễn Đăng Du, Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường Bình An, quận 2 rất gọn: Con người thì VH mà vệ sinh môi trường chưa sạch đẹp, đường sá dơ bẩn, ngập nước vẫn kéo dài thì làm sao xứng là khu phố VH. Khi chúng tôi đặt thắc mắc: Như vậy sao lúc trước khu phố lại được công nhận là khu phố VH, thì nhiều cán bộ hưu trí cười và trả lời: Một năm mới có một lần đi kiểm tra rồi công nhận VH, sau đó người dân muốn làm sao thì làm. Chẳng thấy ai nhắc nhở hoặc gỡ bỏ danh hiệu VH khi khu phố VH đã “xuống cấp”.

Không thể phủ nhận thời gian qua phong trào xây dựng khu phố - khu dân cư VH đã góp phần làm địa bàn dân cư sạch đẹp hơn. Thế nhưng trên thực tế vẫn có nhiều nơi dù chưa thực xứng đáng, nhưng do cái bệnh chạy theo thành tích nên bằng cách này cách nọ đã hợp thức hóa cho được cái danh hiệu “văn hóa”, gây ảnh hưởng đến mục đích, ý nghĩa đẹp đẽ của phong trào này. 

9 tiêu chuẩn xây dựng phường VH:

– Hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội cấp trên giao
– Có 80% khu phố được công nhận là khu phố VH
– 100% hộ đăng ký xây dựng gia đình VH, trong đó 85% đạt danh hiệu Gia đình Việt Nam.
– Phải giao ban định kỳ 6 tháng, hàng năm với tất cả đơn vị VH trên địa bàn
– 80% cơ quan đơn vị trên địa bàn đăng ký xây dựng đơn vị VH, 100% công sở đạt chuẩn văn minh sạch đẹp.
– Các tổ chức trong hệ thống chính trị của phường - xã - thị trấn đạt chuẩn trong sạch vững mạnh và tiên tiến.
– Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong tổ chức lễ tang, lễ cưới, lễ hội theo Chỉ thị 27/CT-TW
– Thực hiện tốt công tác XĐGN, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường
– Có nhà VH phường, có tủ sách pháp luật trên 1.000 quyển, có đội nhóm văn nghệ, thể thao…

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục