Thử thách cho chủ nhân Điện Élysée

Như vậy, nước Pháp đã có một Tổng thống theo đường lối ôn hòa. Kết quả kiểm phiếu của Bộ Nội vụ Pháp chính thức xác nhận ứng cử viên Emmanuel Macron, 39 tuổi, đã giành chiến thắng với 66,1% số phiếu ủng hộ, bỏ xa đối thủ Marine Le Pen chỉ giành được 33,9% số phiếu. 
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới nhanh chóng lên tiếng chúc mừng ông E. Macron như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau... Bên ngoài khuôn viên Bảo tàng nghệ thuật Louvre ở trung tâm Paris, Tổng thống đắc cử E. Macron đã cảm ơn những người ủng hộ đã đi cùng mình trong chặng đường gian khó vừa qua. Nhưng chặng đường đó chưa thể kết thúc.

Tuần tới, khi vị Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Cộng hòa Pháp bước vào Điện Élysée để bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình, cũng là lúc ông bắt đầu chặng đường đầy chông gai tiếp theo để hàn gắn một đất nước bị chia rẽ sâu sắc, vực dậy một nền kinh tế tăng trưởng chậm và tăng cường an ninh cho đất nước sau nhiều vụ khủng bố. 

Truyền thông thế giới ngày 8-5 đã đồng loạt ca ngợi chiến thắng thuyết phục của ông E. Macron, đồng thời cũng cho rằng vị tổng thống đắc cử này sẽ phải có câu trả lời cho những đòi hỏi về sự thay đổi trong thời gian tới. Theo tờ NYT, cũng giống như Mỹ, Anh và một số nền dân chủ lớn khác, một số lượng không nhỏ người dân  cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội bởi toàn cầu hóa, kinh tế trì trệ, thất nghiệp, khủng bố và nạn nhập cư... Cho nên, trong khi rượu sâm banh đã được rót tràn trong lễ ăn mừng chiến thắng, ông Macron cũng đã thừa nhận những chia rẽ trong xã hội Pháp và liên tục nhắc đến nhiệm vụ hàn gắn to lớn này.

Việc ứng cử viên cực hữu Le Pen giành được sự ủng hộ của đông đảo người lao động để lọt vào vòng 2 và chiếm hơn 1/3 số phiếu bầu là bằng chứng về nỗi tuyệt vọng của cái mà bà gọi là “sự lãng quên”. Tờ Financial Times cũng hoan nghênh kết quả mà ông Macron đạt được, song cảnh báo rằng tiến trình tranh cử đã vô hình trung “hợp lý hóa” phong trào cực hữu ở Pháp. 

Bên cạnh đó, chủ nhân Điện Élysée còn phải thu hẹp bất đồng truyền thống giữa các đảng chính trị, với mục tiêu có được đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội Pháp trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới, nhằm tạo thuận lợi cho các chính sách mới được thông qua. Tuy nhiên, vấn đề này đặc biệt khó khăn bởi phong trào Tiến bước của ông vẫn còn non trẻ và bản thân ông chưa được đảng lâu năm nào hậu thuẫn. 

Việc tìm ra liều thuốc đặc trị hữu hiệu cho nền kinh tế trì trệ hiện nay cũng là bài toán khó đối với tân Tổng thống Pháp khi nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu nhiều năm luôn tăng trưởng ảm đạm. Nợ chính phủ đã nhảy vọt lên gần mức 90%, tăng từ mức 58% tại thời điểm 10 năm trước.Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 9,4%, trong đó 1/4 số người dưới 25 tuổi không có việc làm, cao hơn mức trung bình của EU là 8% và vượt xa chỉ số của nước láng giềng Đức là 3,9%. 

Việc một cảnh sát bị sát hại ngay ở đại lộ Champs-Elysees ở trung tâm Paris chỉ 3 ngày trước vòng bỏ phiếu đầu tiên cho thấy Pháp vẫn là mục tiêu hàng đầu của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Trong bối cảnh xã hội Pháp đang bị chia rẽ, các đối tượng khủng bố sẽ luôn tìm cách phá hủy sự gắn kết dân tộc bằng cách làm trầm trọng thêm sự căng thẳng giữa cộng đồng người Hồi giáo và bộ phận người dân còn lại. Vì chưa hề có kinh nghiệm trong an ninh quốc gia, nên đây cũng là thách thức không nhỏ dành cho ông Macron để xứng đáng với niềm tin của người dân.

Tin cùng chuyên mục