Thúc đẩy tiêu dùng thông qua mạng lưới bán lẻ

Việt Nam được nhìn nhận như một trong những quốc gia có nguồn cung cấp thực phẩm và đồ uống cho thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để nắm giữ chắc thị phần tiêu thụ sản phẩm, vấn đề cải tiến chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là khâu quan trọng, quyết định sự tồn tại của sản phẩm khi tiêu thụ ở các nước.
Doanh nghiệp TPHCM đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại
Doanh nghiệp TPHCM đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại

Cạnh tranh gay gắt

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nghiên cứu của tổ chức quốc tế Business monitor chỉ rõ, dự báo tăng trưởng doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam giai đoạn 2016-2019 đạt 16,1%/năm. Đến năm 2020, Việt Nam được đánh giá là nước có tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm, đồ uống cao thứ 3 trong nhóm các nước châu Á. Đây là dự báo lạc quan nhất trong tất cả các ngành. 

Phân tích tiềm năng phát triển trên, bà Loan cho rằng, tăng trường kinh tế đã giúp nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2016 lên mức 2.200 USD/người/năm và dự kiến năm 2017, mức thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 9% (đạt 2.346USD/người/năm). Mức thu nhập người dân tăng, kéo theo mức chi tiêu thực phẩm và đồ uống của người dân Việt Nam cũng tăng, từ 82 tỷ lít/năm 2016 lên 120 tỷ lít vào năm 2020. Những yếu tố khác sẽ tác động đến mức tăng trưởng của ngành này là dân số Việt Nam đông, đạt gần 100 triệu người. Trong đó, cơ cấu dân số trẻ chiếm đa số (68%). Tỷ lệ đô thị hóa nước ta đang diễn ra nhanh chóng, đạt gần 40%. Đặc biệt mạng lưới bán lẻ phát triển mạnh và ngày càng tiện lợi, thúc đẩy mạnh lực tiêu dùng. 

Điều đáng nói, xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống của người dân đang có sự thay đổi theo hướng quan tâm hơn đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, thay vì chỉ quan tâm đến giá như trước đây. Đây chính là động lực để các doanh nghiệp tăng cường đầu tư công nghệ, giải pháp kinh doanh phù hợp. 

Hiện có thực tế, doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm và đồ uống phần lớn còn manh mún, nhỏ lẻ; quy mô vốn và nguồn lực hạn chế; trình độ quản trị, công nghệ thiếu và yếu… Chưa hết, suốt thời gian dài, nhiều doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu và bỏ qua sân nhà. Do vậy, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đặt ra hàng loạt rào cản kỹ thuật liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã phải quay trở lại thị trường nội địa. Thế nhưng, khi trở lại sân nhà, rất nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khả năng cạnh tranh gay gắt của hàng hóa đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… 

Bên cạnh đó, sự có mặt của các hệ thống phân phối đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan càng khiến chỗ đứng tại thị trường nội địa của doanh nghiệp Việt càng trở nên chật hẹp. Hàng loạt thương hiệu bán lẻ đình đám như Aeonmall, Metro, Lotte, Family Mart, Circle K, Shop & Go, Ministop, Vinmart+, B’s Mart và gần đây nhất, thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới 7-Eleven cũng đã khai trương các cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Hệ thống bán lẻ ngoại thường có nhiều chính sách ưu tiên sản phẩm của nước họ nên gây áp lực cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp nội. 

Chuyển đổi để tồn tại

Để có thể chắc chân ở thị phần nội địa, cũng như giữ vững thị phần xuất khẩu, cải tiến chất lượng sản xuất là vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn đầu tư để đổi mới công nghệ sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp đáp ứng xu hướng phân phối thị trường trong thời gian tới. 

Hiện có đến 85% sản phẩm thực phẩm và đồ uống bán lẻ qua kênh truyền thống như hộ kinh doanh, chợ, cửa hàng nhỏ lẻ… Chỉ 15% bán qua kênh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, xu hướng này đang có sự dịch chuyển nhanh sang kênh bán hàng hiện đại, chủ yếu tập trung vào phát triển cửa hàng tiện lợi do xu hướng ưa chuộng của người dân. Hiện tại ở Việt Nam, số lượng bình quân đầu người trên mỗi cửa hàng tiện lợi là 69.000 người/cửa hàng. Trong khi so với Thái Lan 37.000 người/cửa hàng, Trung Quốc 21.000 người/cửa hàng… Điều này thể hiện dư địa đầu tư cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam còn rất lớn. 

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết đơn vị đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư đa dạng kênh phân phối hiện đại như đại siêu thị, siêu thị và cửa hàng tiện lợi nhằm phủ kín các phân khúc khách hàng và tạo thế cân bằng, phá thế độc quyền của khối doanh nghiệp ngoại; hỗ trợ doanh nghiệp Việt chiếm giữ thị phần. Quan trọng hơn, hệ thống Co.opmart đang áp dụng 3 tầng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm là kiểm tra tại nhà máy sản xuất, tại kho lưu trữ và quầy kệ trưng bày sản phẩm tại các siêu thị. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Do vậy, muốn sản phẩm được phân phối tại các kênh hiện đại, doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Và đây là giai đoạn quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi mình.

Tin cùng chuyên mục