Thị trường tranh Việt: Mê cung thật giả

Khá nhiều tranh của các họa sĩ trong nước, từ các họa sĩ bậc tiền bối cho đến một số gương mặt đương đại, họa sĩ trẻ được đấu giá và bán thành công thời gian vừa qua, là tín hiệu vui và cũng là dấu hiệu khởi sắc của thị trường mỹ thuật Việt. 
Bức Phố cũ được cho là của Bùi Xuân Phái bị nghi vấn là tranh chép
Bức Phố cũ được cho là của Bùi Xuân Phái bị nghi vấn là tranh chép
Thế nhưng, công chúng yêu nghệ thuật và giới sưu tập trong nước lẫn quốc tế chưa có đủ niềm tin về tính xác thực, độ thật giả của những tác phẩm mỹ thuật khi mà đến nay Việt Nam vẫn chưa có một đơn vị kiểm định tác phẩm nghệ thuật đủ tầm, đủ cơ sở pháp lý. Sôi động các phiên đấu giá tranh Hơn 1 năm trước, tại phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của nhà đấu giá Lạc Việt ở Hà Nội, giới mỹ thuật hào hứng rõ rệt khi các tác phẩm nghệ thuật được mua với giá khá hấp dẫn. Bức tranh sơn dầu Hạnh phúc của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ được bán với giá là 65 triệu đồng (giá khởi điểm 50 triệu đồng), tác phẩm Tiên nữ vùng cao của họa sĩ Quách Đông Phương được bán 95 triệu đồng (khởi điểm 55 triệu đồng), tác phẩm Bên dòng sông đỏ của họa sĩ Đào Hải Phong mức khởi điểm 120 triệu đồng, đã được bán giá 150 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 22-10-2016 tại TPHCM, trong buổi đấu giá tranh để làm từ thiện do quỹ từ thiện Sống để yêu thương tổ chức, không khí càng trở nên sôi động hơn khi tất cả các tác phẩm đưa ra tại phiên đấu giá đều được bán hết. Lần đầu tiên, một bức tranh của thi sĩ, họa sĩ Bùi Giáng được giới thiệu khiến các nhà sưu tập từ thích thú đến tranh đua quyết liệt để sở hữu. Đúng như dự đoán, phải qua 23 lần ra giá, bức Gửi đêm của cố thi sĩ mới chốt giá, thuộc về một nữ chủ nhân tại quận 3, TPHCM. Mức giá cuối cùng là 27.000 USD - gấp gần 11 lần so với giá khởi điểm 2.500 USD.  Tháng 12-2016, giới mỹ thuật cả nước lại một phen xao động khi nhà đấu giá nghệ thuật Lý Thị (LyThi Auduction) chính thức ra mắt công chúng yêu nghệ thuật và đánh dấu sự kiện bằng phiên đấu giá Vị nghệ thuật lần thứ nhất tại TPHCM. Phiên đấu đầu tiên của Lý Thị được chú ý bởi lần đầu tiên các tác phẩm nghệ thuật không phải gánh vác thêm bất cứ chức năng hay “trọng trách” nào khác, ngoài nghệ thuật. Đặc biệt hơn, phiên đấu còn là sự tái hợp của hai tên tuổi nổi tiếng, sinh cùng năm: danh họa Lê Phổ của Việt Nam và danh họa Affandi của Indonesia. Nếu như Lê Phổ đang là đại diện cao nhất của Việt Nam thì Affandi cũng ở vị trí hàng đầu của Indonesia. Khoảng 20 năm qua, bộ đôi này đã vài lần “song kiếm hợp bích” để tạo nên niềm hứng khởi, tạo sự kịch tính cho các phiên đấu giá quốc tế. Hai danh họa này cũng thuộc số ít các tên tuổi được tìm kiếm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Chỉ vài tháng sau đó, nhà đấu giá Lý Thị tiếp tục làm nóng thị trường mỹ thuật trong nước khi khởi động sàn đấu lần thứ hai. Nếu như phiên đầu tiên có sự tham gia của các danh họa nước ngoài thì phiên thứ hai Lý Thị giới thiệu 18 tác phẩm mà trong đó đa phần thuộc những tên tuổi nổi tiếng của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Liên tục những phiên đấu giá tranh Việt được tổ chức, đã góp phần khích lệ giới nghệ sĩ hăng say sáng tạo, hướng dần đến một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Lùm xùm tranh thật, tranh giả  Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, thị trường tranh Việt cũng xuất hiện nhiều mối lo không nhỏ, nhất là lùm xùm tranh thật, tranh giả.  Câu chuyện tranh thật, tranh giả gần đây nhất lại nóng lên khi bức tranh Phố cũ được cho là của Bùi Xuân Phái đã được bán trong phiên đấu tại Hà Nội do nhà đấu giá Chọn tổ chức ngày 30-7. Phiên đấu thu hút bởi giới thiệu đến công chúng các tác phẩm đặc biệt của 2 bộ tứ huyền thoại của hội họa Việt Nam: Trí - Vân - Lân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn) và Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái). Bức Phố cũ khởi điểm giá 8.000 USD, đã được bán giá 12.500 USD thuộc về nhà sưu tập Phùng Quang Việt. Tuy nhiên, ngay khi ra mắt, bức tranh này vấp phải phản ứng khi một số ý kiến cho rằng đây là tranh giả, tranh chép. Không chỉ thế, bức này đã từng được bán bởi hai nhà đấu giá Sotheby’s Singapore (tháng 10-2006) giá 11.443 USD và nhà đấu giá Christie’s Hong Kong (ngày 25-5-2014) mức giá 12.804 USD.  Về phía nhà tổ chức, ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc đấu giá của Nhà đấu giá Chọn, chia sẻ: “Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn tự tin khẳng định đây là tranh thật. Chúng tôi tin tưởng vào chuyên gia thẩm định của mình”. Vì lý do tế nhị, nhà đấu giá từ chối cung cấp chuyên gia thẩm định.  “Ở Việt Nam, các chuyên gia thẩm định tranh phải chịu một áp lực rất lớn, trong khi ở nước ngoài việc chuyên gia thẩm định tranh công khai là chuyện bình thường, họ cũng không mấy áp lực. Việc thẩm định một bức tranh nghệ thuật là thật hay giả thuộc trách nhiệm từ nhiều đơn vị chức năng liên quan, từ nhiều người chứ không thể quy hết cho một người”, ông Hùng cho biết. 
Cách đây gần 10 năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng thành lập một trung tâm kiểm định tranh. Chưa kịp mừng thì mọi việc rơi vào bế tắc khi trung tâm lập ra nhưng không có bất cứ người nào lai vãng, cuối cùng trung tâm này buộc phải đóng cửa. 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong giới, một phần do các thành viên của trung tâm chưa thật chuyên nghiệp, chưa có được thành tựu và uy tín nhất định trong lĩnh vực mỹ thuật nên chưa tạo được niềm tin với nghệ sĩ và các nhà sưu tập. Một phần khác là các giao dịch liên quan đến mua bán tác phẩm mỹ thuật số ít thông qua hệ thống phòng tranh, phần nhiều vẫn là hoạt động giao dịch ngầm của các bên. 
Ông Hùng cũng khẳng định bức tranh được sư thầy Thích Minh Thịnh gửi tới đấu giá. Thầy Thích Minh Thịnh được cô Như tặng lại bức này đã lâu. Cô Như có quan hệ với một số họa sĩ, tại nhà cô hiện còn lưu giữ nhiều tranh khác. Và ông đã lưu giữ bức tranh hơn 20 năm nay. Đây không phải là lần đầu tiên tranh được cho là của Bùi Xuân Phái dính nghi án tranh chép. Tại phiên đấu giá gây quỹ từ thiện tháng 10-2016 tại TPHCM như đã nói trên, dư luận xôn xao khi cho rằng bức Phố cổ Hà Nội được cho kiệt tác của Bùi Xuân Phái, cũng là tranh giả. Ban tổ chức thì khẳng định tranh có lịch sử và bảo chứng rõ ràng. Không biết thực hư thế nào, nhưng quả thật Phố cổ Hà Nội ngay lập tức làm nóng khán phòng và đã tìm được nữ chủ nhân mới khi chốt giá 102.000 USD, khá cao so với khởi điểm 77.000 USD.  Trước lùm xùm thực tế và những tranh cãi không ngớt nói trên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT-DL cho hay, sắp tới ngành mỹ thuật sẽ nghiên cứu xây dựng các thông tư đi kèm cho hoạt động đấu giá, sao cho sát với tình hình thực tế, cụ thể và chuẩn xác.

Tin cùng chuyên mục