Tiềm năng phát triển ngành ô tô

Theo các chuyên gia kinh tế, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành ô tô cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất; thường xuyên rà soát các chi phí để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm các đối tác mới…
Năng lực cung ứng hạn chế
Bộ Công thương đánh giá, CNHT ngành sản xuất ô tô đã hình thành thị trường các sản phẩm phụ tùng linh kiện. Bước đầu đáp ứng được nhu cầu của một số doanh nghiệp (DN) lắp ráp ô tô ở Việt Nam. Đối với chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao (xe tải 7 tấn, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, một số loại xe chuyên dụng, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% - 55%). Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp, đạt bình quân khoảng 7% - 10% (riêng Công ty CP Ô tô Trường Hải đạt 15% - 18%). 
Tiềm năng phát triển ngành ô tô ảnh 1 DN CNHT cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất
Nhìn chung, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô do DN nội địa cung ứng trên thị trường còn kém. Đa số DN nội về CNHT chỉ cung ứng sản phẩm cho công ty lắp ráp ô tô trong nước. Hiện cả nước chỉ có hơn 300 DN thuộc ngành CNHT sản xuất ô tô trên tổng số 12.000 DN hỗ trợ cả nước, chiếm tỷ trọng rất nhỏ và trên 80% phụ tùng, linh kiện phải nhập khẩu.
Theo TS Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), do quy mô thị trường ô tô của Việt Nam còn nhỏ, chỉ đạt khoảng 300.000 xe/năm. Với hơn 20 nhà sản xuất lắp ráp ô tô đang hoạt động manh mún, kéo theo thị trường CNHT ngành sản xuất ô tô ở nước ta có quy mô nhỏ, hạn chế khả năng phát triển DN sản xuất phụ tùng linh kiện.
Cùng với đó, năng lực của các nhà cung ứng trong nước còn nhiều hạn chế, sản phẩm cung cấp chỉ dừng lại ở các chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, như gương kính, ghế ngồi, săm lốp, ắc quy, bộ dây điện và một số sản phẩm nhựa. Trong khi đó, các nguồn nguyên vật liệu cơ bản cho sản xuất ô tô như thép chế tạo, cao su, nhựa… đều phải nhập khẩu.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, cho biết để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, hỗ trợ các DN CNHT nâng cao năng lực cạnh tranhm thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành CNHT với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành CNHT sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng khoảng 35% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Nhiều cơ hội phát triển
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng với hàng loạt hiệp định FTA được ký kết. Cùng với các chương trình cải cách, chính sách thông thoáng thu hút nhà đầu tư, sẽ là cơ hội tốt để chúng ta có thể tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển ngành CNHT. 
Riêng với ngành công nghiệp ô tô, theo các chuyên gia, thị trường ô tô Việt Nam còn nhiều tiềm năng, được hỗ trợ từ nhiều yếu tố, như dân số đông, khoảng 94 triệu người, với mức thu nhập ngày càng tăng qua các năm; nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, kéo theo nhu cầu sử dụng ô tô của người dân tăng. Theo thống kê, Việt Nam mới chỉ khoảng 25 người sở hữu ô tô trên 1.000 dân (trong khi ở các nước phát triển khoảng 400/1.000). Dự đoán, giai đoạn 2020-2025 sẽ bùng nổ “ô tô hóa”, thị trường ô tô tại Việt Nam phát triển rất mạnh. Để tận dụng cơ hội trên, theo ông Vũ Quang Tâm, thành viên HĐQT Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), các DN phải chủ động trong việc phân tích xu hướng phát triển và kịp thời nắm bắt cơ hội để định hướng đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất; thường xuyên rà soát các chi phí để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, mỗi đơn vị cần xác định rõ các dòng sản phẩm để có chiến lược đầu tư phù hợp, có trọng điểm. Cùng với đó là nâng cao năng lực nguồn nhân lực như tay nghề, kỹ năng, nghiệp vụ và năng lực quản trị.
Ông Vũ Quang Tâm chia sẻ kinh nghiệm, DN phải luôn lưu ý tìm kiếm thêm đối tác mới, mở rộng thị trường. Khi đã trở thành nhà cung cấp cho một công ty lớn đa quốc gia, kèm theo đó là các chứng chỉ quản lý chất lượng ISO/TS16949, một dạng “vé thông hành” cho các nhà làm CNHT, thì DN một mặt phải duy trì, nâng cao hợp tác với đối tác hiện tại. Mặt khác, tiếp tục tìm kiếm thêm đối tác mới để tạo cơ hội phát triển, giảm thiểu các rủi ro khi chỉ hợp tác với một đối tác. Đây là điều kiện quan trọng để DN CNHT phát triển, nhất là trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Là địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết ngành công nghiệp sản xuất ô tô của thành phố đã có nhiều phát triển trong những năm qua. Phân ngành sản xuất động cơ xe (chiếm tỷ trọng 11% giá trị sản xuất công nghiệp) tiếp tục có mức tăng trưởng khá, năm 2017 tăng 18,4% so năm trước. Nhiều DN sản xuất công nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm CNHT. Ngoài việc đầu tư mở rộng sản xuất còn bắt đầu chú trọng việc nâng cao hiệu suất chất lượng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI.
Chia sẻ về cơ hội phát triển cho các DN CNHT ngành ô tô trong thời gian tới, ông Võ Quang Huệ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, phụ trách dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast của tập đoàn Vingroup, cho rằng để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của toàn bộ ngành CNHT trong nước. Trong đó, có những DN lớn và mạng lưới, hệ thống các DN vệ tinh bao quanh, cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các DN lớn. 
Ông Võ Quang Huệ cho biết, VinFast đang hướng đến xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các DN tại Việt Nam nhằm xây dựng phát triển đồng bộ ngành CNHT. VinFast sẵn sàng hợp tác dưới mọi hình thức, miễn là các nhà đầu tư đạt được các yêu cầu về chất lượng, giá cả và giao hàng.

Tin cùng chuyên mục