Thúc đẩy phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Thời gian qua, việc phát triển hợp tác xã (HTX), kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
Dịch vụ cấy lúa bằng máy của HTX Nông nghiệp Gò Gòn
Dịch vụ cấy lúa bằng máy của HTX Nông nghiệp Gò Gòn

Qua đó, không chỉ hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, mà còn góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2005, HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh) được thành lập, với dịch vụ ban đầu là bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lúc này, hầu hết xã viên và nông dân trong vùng vẫn sản xuất theo phong tục tập quán cũ nên hiệu quả rất thấp. Trước tình hình đó, HTX đề ra nhiều giải pháp để cải thiện hiệu quả canh tác lúa, như: thành viên HTX xuống giống đồng loạt; thống nhất áp dụng quy chuẩn các loại giống, phân bón, thuốc trừ sâu...

Song song đó, các lớp tập huấn sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo hướng hữu cơ... cũng được tập huấn, tuyên truyền. Nhờ đó mà các thành viên HTX sản xuất thống nhất theo quy hoạch và có định hướng, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Ngoài duy trì dịch vụ bơm tưới nông nghiệp, HTX Nông nghiệp Gò Gòn tìm tòi và đưa vào khai thác một số dịch vụ phục vụ sản xuất như hỗ trợ làm đất, thu hoạch, vận chuyển nông sản; sản xuất và cung ứng lúa giống…

“Đặt ra tiêu chí mua chung, bán chung, HTX luôn chủ động tìm kiếm doanh nghiệp liên kết để cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn tổ chức tư vấn về kỹ thuật trồng trọt, đồng hành cùng các thành viên áp dụng các mô hình mới mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhờ phát triển đồng bộ mà HTX đã hình thành được chuỗi sản xuất khép kín, quản lý vùng nguyên liệu lớn trồng nhiều loại gạo chất lượng cao như ST24, OM 4900, Đài thơm 8, OM 7347... bảo đảm cung ứng cho các công ty xuất khẩu”, ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn, chia sẻ.

Còn ông Lý Thái Thành, thành viên HTX Nông nghiệp Gò Gòn, cho biết, ông tham gia HTX từ năm 2019 và đang canh tác 2ha lúa. Đầu mỗi vụ, HTX đều ký kết với công ty thu mua để bảo đảm đầu ra cho thành viên. Do đó, bà con xã viên rất an tâm đầu tư sản xuất.

Ông Lê Thành Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, huyện đã củng cố và thành lập 26 HTX với khoảng 900 thành viên đăng ký tham gia. Trong đó, có 21 HTX dịch vụ nông nghiệp, 4 HTX nuôi trồng thủy sản và 1 HTX chăn nuôi, với tổng vốn góp trên 36 tỷ đồng.

Cùng đó, huyện đã nâng chất 73 tổ hợp tác, với trên 1.100 thành viên. Ngành nghề hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ bơm điện, làm đất, sạ giống, phun thuốc, thu hoạch lúa… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tổ hợp tác hoạt động theo hợp đồng hợp tác, được UBND xã, thị trấn xác nhận và hưởng lợi trực tiếp thông qua dịch vụ hợp tác.

Tin cùng chuyên mục