Tạo quỹ đất sạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo kế hoạch, UBND huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) sẽ sử dụng hơn 850ha đất công ở xã Hưng Điền để kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.
Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng Huỳnh Thanh Hiền (đứng) họp bàn với lãnh đạo các ban ngành của huyện thống nhất chọn phương án thu hồi đất
Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng Huỳnh Thanh Hiền (đứng) họp bàn với lãnh đạo các ban ngành của huyện thống nhất chọn phương án thu hồi đất

Hiện diện tích đất này đang giao khoán, cho người dân thuê sản xuất nông nghiệp, nên UBND huyện đã lập phương án trình UBND tỉnh xin chủ trương thu hồi đất để quản lý, sử dụng lâu dài, có hiệu quả. Cụ thể, có 2 phương án được đề xuất:

Phương án 1: Thu hồi toàn bộ

Ông Lê Thành Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, sau khi kết thúc thời gian gia hạn hợp đồng thuê hơn 850ha đất công ở xã Hưng Điền theo Quyết định số 1483/QĐ-UBND ngày 1-3- 2023 của UBND tỉnh Long An, UBND huyện Tân Hưng sẽ đề xuất không tiếp tục gia hạn thời gian cho hộ dân thuê đất. Thay vào đó, xin chủ trương cho UBND huyện Tân Hưng làm chủ đầu tư thực hiện dự án tạo quỹ đất sạch để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hình thức đấu giá cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê là 50 năm. UBND huyện sẽ hỗ trợ cho các hộ dân nhận khoán đất trước đây với Công ty TNHH MTV Đồng Tháp I nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 83 và khoản 1 Điều 82 của Luật Đất đai năm 2013. Mức hỗ trợ được xác định bằng với giá đất do UBND tỉnh Long An quy định tại Quyết định số 74/2019/QĐ-UBND ngày 31-12-2019 ban hành bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2020-2024) trên địa bàn tỉnh Long An, đã được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND ngày 2-7-2020 (không phân biệt vị trí).

Cụ thể, đất trồng cây hàng năm sẽ hỗ trợ 35.000 đồng/m2. Diện tích đất được hỗ trợ tính theo diện tích thực tế đang canh tác nhưng không vượt quá hạn mức giao đất tại địa phương. Đối với nhà ở, công trình phụ, vật kiến trúc, mồ mả xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất (xây dựng trên đất công), trước thời điểm huyện nhận bàn giao quản lý đất, không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng, thì mức hỗ trợ 100% đơn giá xây dựng mới loại nhà ở, công trình xây dựng, vật kiến trúc và đơn giá mồ mả trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh Long An quy định tại thời điểm hỗ trợ.

Riêng chi phí san nền để xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trên đất công mà không có biên bản xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền, thì mức hỗ trợ là 87.000 đồng/m3, tính theo diện tích đo đạc thực tế (trừ các trường hợp có biên bản xử lý vi phạm hành chính buộc khôi phục lại hiện trạng của cơ quan có thẩm quyền thì không hỗ trợ).

Phương án 2: Giữ lại một phần

Ngoài phương án 1 nói trên, theo phương án 2 UBND huyện Tân Hưng đưa ra là sẽ thu hồi toàn bộ hơn 850ha để tạo quỹ đất sạch. Trong số này, huyện sử dụng 728,60ha để thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; diện tích còn lại thực hiện chính sách an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Theo ông Lê Thành Yên, khi thực hiện phương án 1 là Nhà nước thu hồi toàn bộ hơn 850ha đất để thực hiện dự án. Sau khi dự án thực hiện sẽ tăng thêm thu nhập trên một đơn vị sản xuất, tạo công ăn việc làm cho đơn vị, địa phương.

Trường hợp thực hiện phương án 2, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi thu hút đầu tư, đồng thời thực hiện chính sách an sinh xã hội cho dân cư vùng biên giới. Nhưng cái khó khăn là sẽ có sự so bì, thắc mắc, thậm chí khiếu kiện trong dân là ai sẽ bị thu hồi đất, còn ai được cấp đất. Vì đến thời điểm hiện tại, chỉ có 65/461 hộ dân thực hiện việc kê khai đăng ký không có đất sản xuất, số hộ còn lại không hợp tác thực hiện việc kê khai đăng ký.

Trong khi đó, theo Điều 55 Luật Đất đai 2013, không quy định việc giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp. Vì vậy, sau khi xem xét 2 phương án nêu trên, UBND huyện Tân Hưng thống nhất đề xuất với UBND tỉnh, Sở TN-MT là chọn phương án 1.

Mới đây, UBND huyện Tân Hưng lập 2 đoàn công tác đến gặp gỡ nhiều hộ dân ở xã Hưng Điền có đất nhận khoán của Công ty TNHH MTV Đồng Tháp I trước đây. Các hộ dân được nghe thông tin về 2 phương án giải quyết trong việc thu hồi khu đất công. Để các hộ dân có thời gian suy nghĩ và lựa chọn phương án tối ưu nhất cho gia đình, UBND huyện đã gửi các phiếu kê khai đất cho người dân và chọn phương án ghi vào phiếu. Cũng tại buổi gặp gỡ, nhiều hộ dân có thắc mắc liên quan đến 2 phương án thu hồi đất đã được cán bộ đoàn công tác của huyện tiếp thu, giải trình rõ. Nhiều hộ dân cho biết, họ muốn được Nhà nước cấp sổ đỏ, cho thuê dài hạn 10-20 năm để sản xuất, còn nếu Nhà nước thu hồi đất thì giải quyết hỗ trợ thỏa đáng để người dân an cư lạc nghiệp vì phần đông từ nơi khác đến (như An Giang, Đồng Tháp…), không có đất sản xuất

Tin cùng chuyên mục