Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Hàng năm, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) tập trung đầu tư, phát triển nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Trong đó, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên cây lúa được huyện đẩy mạnh thực hiện, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và lợi nhuận hơn trước.

Nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận

Chỉ tay về đám lúa xanh tốt hơn 2ha của gia đình sản xuất theo mô hình ứng dụng CNC trên cánh đồng Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng), nông dân Lý Thái Thành cho biết, lúa được xuống giống gần 1 tháng, đang phát triển tốt, là vụ thứ 4 gia đình áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng CNC. Lúc đầu tham gia mô hình, ông Thành được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng quy trình “1 phải 6 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, cơ giới hóa trong sản xuất… nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

Lúc đầu, ông Thành và một số nông dân còn nghi ngại, nhưng khi kết thúc vụ lúa, mỗi hécta cho lợi nhuận tăng gần 5 triệu đồng so với canh tác theo truyền thống nên ai cũng phấn khởi. “Từ đó tôi quyết làm theo. Như miếng ruộng này, từ khi sản xuất lúa ứng dụng CNC, cuối năm thu về hơn 70 triệu đồng tiền lời; còn lúc trước, khá lắm cũng chỉ được mười mấy triệu đồng là hết mức. Thấy tôi làm thành công nên nhiều người bắt đầu làm theo”, ông Thành chia sẻ.

Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An

Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An

Còn ông Mai Văn Rết, cùng canh tác lúa trên cánh đồng Hưng Thạnh, chia sẻ, trước đây, do sản xuất theo kiểu truyền thống nên năng suất thấp, giá cả bấp bênh do thường bị thương lái ép giá. Nhưng từ khi địa phương triển khai sản xuất ứng dụng CNC trên cây lúa, năng suất ổn định hơn trước, chi phí sản xuất cũng giảm, nhất là lại được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, nên người dân ai cũng vui. “Tôi thấy tham gia mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất lúa rất hiệu quả, nên bàn với gia đình lấy hết 6ha đất để sản xuất theo mô hình này”, ông Rết nói.

Ông Trương Hữu Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh), cho biết, sản xuất lúa ứng dụng CNC không tốn nhiều công sức, mà còn giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống… nên giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, sự liên kết “4 nhà” được phát huy, đầu ra sản phẩm ổn định nhờ chất lượng và hợp tác với doanh nghiệp thu mua.

Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn có 464ha sản xuất lúa ứng dụng CNC, với 120 hộ dân tham gia. Sản xuất ứng dụng CNC, bà con nông dân không những được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, mà còn được bao tiêu sản phẩm cao hơn thị trường từ 50-100 đồng/kg lúa.

Quyết tâm nhân rộng mô hình

Ông Huỳnh Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường. Các mô hình điểm, mô hình nhân rộng, các diện tích nông dân tự thực hiện ứng dụng CNC đều cho thấy hiệu quả hơn sản xuất kiểu truyền thống, như giảm được lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh...

Nhờ vậy mà thời gian qua, mô hình mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân: năng suất thu hoạch từ 6-7 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống từ 4-5 triệu đồng/ha (mô hình liên kết cho lợi nhuận cao hơn, từ 5-6 triệu đồng/ha). Đến nay, toàn huyện xây dựng hàng chục mô hình điểm và nông dân tự triển khai nhân rộng mô hình ứng dụng CNC, với tổng diện tích 10,340ha.

Theo ông Huỳnh Thanh Hiền, để tiếp tục phát triển mô hình sản xuất lúa ứng dụng CNC, huyện tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình của tỉnh; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng; khuyến khích việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 của huyện Tân Hưng đã xác định phát triển nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương; đồng thời đề ra chương trình đột phá nâng chất, mở rộng diện tích thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn; đến năm 2025 phải có 15.550ha lúa sản xuất theo mô hình ứng dụng CNC.

“Để thực hiện chỉ tiêu nghị quyết đề ra, thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp. Chú trọng quy hoạch đồng ruộng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thân thiện môi trường”, Bí thư Huyện ủy Tân Hưng Nguyễn Thanh Tiệp cho biết.

Thực tế cho thấy, ứng dụng CNC trên cây lúa là bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bền vững nền nông nghiệp của huyện Tân Hưng, mang lại kết quả thiết thực, khả quan cho người dân so với việc sản xuất lúa kiểu truyền thống.

Theo kế hoạch, năm 2024, huyện Tân Hưng sẽ đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, sử dụng hơn 850ha đất công ở xã Hưng Điền (hiện đang giao khoán, cho dân thuê sản xuất nông nghiệp) để kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất lúa ứng dụng CNC, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất…

Tin cùng chuyên mục