Tình hình cháy nổ xảy ra tại hộ kinh doanh: Tiếp tục diễn biến phức tạp


Cơ quan chức năng khuyến cáo cá nhân, tổ chức nghiêm túc theo đuổi nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng mất an toàn về phòng cháy chữa cháy ở loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh. 
Cảnh sát PCCC tiếp cận đám cháy ở một nhà ở kết hợp kinh doanh tại TPHCM
Cảnh sát PCCC tiếp cận đám cháy ở một nhà ở kết hợp kinh doanh tại TPHCM

Thờ ơ trước bài học nhãn tiền

Mới đây, một nhà hàng thức ăn nhanh ở đường Bùi Viện (quận 1, TPHCM) bốc cháy từ khu vực nhà bếp khiến thực khách và nhân viên hoảng loạn. Đáng chú ý, 2 cụ già bị kẹt trên tầng trên vì căn nhà không có lối thoát hiểm xuống dưới hoặc sang nhà kế bên. 

Trước đó, cũng tại thành phố, nhiều vụ cháy đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, như vụ cháy căn nhà ở kết hợp kinh doanh áo quan ở quận Bình Tân (làm 4 người thiệt mạng), vụ cháy căn nhà có tiệm áo cưới dưới tầng trệt ở quận 12 (3 người thiệt mạng), vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại quận Bình Tân (4 người thiệt mạng)… Những vụ cháy loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh (nhà hàng ăn, buôn bán dưới tầng trệt…) như trên gây thiệt hại nặng nề. Theo thống kê, TPHCM xảy ra 1.173 vụ cháy trong 3 năm. Trong đó, 595 vụ xảy ra tại nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất (hộ kinh doanh). 

Hiện TPHCM có 294.085 hộ kinh doanh, nhưng có đến 103.976 hộ chưa đăng ký kinh doanh. Trong số này, 39.895 cơ sở thuộc nhóm đối tượng này tồn tại nhiều nguy cơ cháy nổ, như cấu kiện xây dựng bằng vật liệu dễ cháy; hệ thống điện không đảm bảo an toàn; hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến nhiều loại hóa chất, hàng hóa dễ cháy nổ… Những vụ việc trên là bài học nhãn tiền đối với cá nhân, tổ chức hoạt động trong những căn nhà thuộc loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Dù vậy, không ít hộ kinh doanh chưa hết thờ ơ với an toàn cháy nổ. 

Khoảng 1 năm nay, lực lượng Cảnh sát PCCC quận 1 (Công an TPHCM) đã phối hợp rà soát ở 954 tổ dân phố. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa phần hộ kinh doanh không đảm bảo khoảng cách an toàn về thoát nạn. Rất nhiều căn nhà câu mắc điện chằng chịt, đi dây điện trần, thiếu phương tiện chữa cháy tại chỗ. Một số hộ kinh doanh trang bị bình chữa cháy xách tay nhưng chỉ để đối phó, không ai trong nhà biết cách sử dụng. 

Lực lượng PCCC đã rút ra nhiều bất cập về phòng chống cháy nổ ở loại hình nhà ở trên. Cụ thể, ở tầng 1, người dân sắp xếp hàng hóa hoặc vật dụng dễ cháy tràn lan, chiếm hết lối đi. Kế tiếp, nhà chỉ có một cầu thang bộ. Thang bộ này cũng không đảm bảo chiều rộng, không có cửa chống cháy ngăn khói… Do vậy, nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì người bên trong rất khó thoát ra ngoài. Chưa kể, người dân thường làm lồng sắt ở ban công hoặc xây kín mà không chừa lối thoát hiểm có. Một số ngôi nhà tận dụng tầng mái làm phòng ở hoặc xây tường kín, vô tình bít luôn lối ra khẩn cấp và các vị trí lánh nạn tạm thời chờ lực lượng ứng cứu khi có sự cố. Công tác tiếp cận, triển khai cứu nạn và chữa cháy gặp nhiều cản trở khi nhiều hộ kinh doanh dựng biển quảng cáo, đấu nối, câu móc điện che hết ban công. 

Cơ quan chức năng nhận định tình hình cháy nổ xảy ra tại hộ kinh doanh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đan xen nhiều giải pháp

Ứng phó tình trạng cháy nổ xảy ra tại hộ kinh doanh, Cảnh sát PCCC - Công an TPHCM - khuyến cáo người dân duy trì cùng lúc nhiều giải pháp. Theo đó, hộ kinh doanh không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Nếu lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Các hộ kinh doanh luôn để sẵn thang, thang dây trong nhà để thoát nạn khi cần thiết. Đồng thời, người dân cần chuẩn bị dụng cụ phá dỡ nhằm tạo lối thoát nạn, không bố trí đồ đạc cản trở đường, cửa thoát nạn. Mỗi gia đình nên có dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước phục vụ chữa cháy; trang bị và thao tác thành thạo dụng cụ chữa cháy. Cảnh sát PCCC lưu ý các hộ kinh doanh không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất có nguy cơ cháy nổ cao (xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy) ở bên trong nhà; hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn. Đặc biệt, thiết bị bảo vệ hệ thống điện là yếu tố quan trọng nhất trong “bài toán” ngăn ngừa cháy nổ. Như vậy, ngành điện lực cần phối hợp với chính quyền, ngành phòng cháy trong xử lý, ngăn chặn triệt để các vi phạm PCCC trong quá trình sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Cơ quan chức năng nhấn mạnh, những giải pháp trên cần thực hiện song song, thường xuyên, kiên trì mới mang lại hiệu quả cuối cùng. 

Thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Cảnh sát PCCC  TPHCM đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác PCCC đối với nhóm đối tượng nói trên. Trong đó, TP cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh; xây dựng quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ kinh doanh.

Nhà ở kết hợp kinh doanh (hộ kinh doanh) là loại hình nhà ở tự thành lập. Chủ sở hữu căn nhà sử dụng một phần diện tích căn nhà để bày bán hàng hóa theo mô hình cửa hàng loại nhỏ, có lưu trữ hàng hóa hoặc chủ sở hữu cho người khác thuê mặt bằng tầng trệt, lầu 1 để kinh doanh, còn tầng trên để làm nơi ở, sinh hoạt.

Tin cùng chuyên mục