Ứng dụng công nghệ vào chuỗi thực phẩm, nông sản



Chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là quản trị chuỗi thực phẩm, nông sản đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ... 
Doanh nghiệp TPHCM đầu tư dây chuyền sản xuất xanh - sạch
Doanh nghiệp TPHCM đầu tư dây chuyền sản xuất xanh - sạch
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong những quốc gia có tình trạng thất thoát thực phẩm, nông sản cao, cũng như đang gặp nhiều thách thức về quản trị chuỗi logistic trong lĩnh vực này.

Đánh giá về tình trạng thất thoát, lãng phí nông sản, thực phẩm tại Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, với nền tảng đầu tư, sản xuất nông nghiệp và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển khác phải đối mặt với những khó khăn trong quản trị chuỗi thực phẩm, nông sản. Trong đó, có thể kể đến những điểm nghẽn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí nông sản, thực phẩm; đòi hỏi giải pháp tháo gỡ hiệu quả loại hình quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ manh mún… 
Kết quả khảo sát do CEL Consulting Việt Nam công bố, cho thấy chỉ tính ở khâu cung ứng, tức quy trình sản xuất từ trang trại đến nhà bán lẻ, đã có hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm bị thất thoát, lãng phí mỗi năm. Tỷ lệ này tại Việt Nam đang ở mức cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á, do quy trình bảo quản sau thu hoạch, sơ chế, vận chuyển chưa đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng nông sản, thực phẩm. Đơn cử, tại Việt Nam ước tính lãng phí lên đến 694.000 tấn thịt, 7 triệu tấn rau củ quả, 805.000 tấn thủy hải sản các loại… sau thu hoạch. Mặt khác, nếu thống kê theo mặt hàng thì nhóm hàng dẫn đầu thất thoát, lãng phí tại Việt Nam là nhóm hàng rau củ quả với tỷ lệ 31%. Tiếp theo đến nhóm hàng thịt với 14%; thủy hải sản 12%...
Ông Lương Quang Thi, Giám đốc điều hành Công ty ABA, cho rằng không đảm bảo quy trình bảo quản, vận chuyển đúng cách sau thu hoạch và chế biến sẽ làm thất thoát, lãng phí nông sản, thực phẩm là điều khó có thể tránh khỏi. Đặc biệt, quy trình này còn tác động trực tiếp đến chất lượng nông sản, thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, việc ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị trong ngành nông sản, thực phẩm vẫn còn hạn chế. Đồng thời, vì liên quan trực tiếp đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm nên trong chuỗi nông sản, thực phẩm một số khâu bảo quản bị cắt và không được đầu tư đúng mức.
Cùng quan điểm, một số doanh nghiệp khác nhấn mạnh thêm về chi phí logistics cao, chiếm đến 21% - 25% GDP hàng năm; hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm đúng mức và thúc đẩy nhiều cơ chế chính sách ưu tiên để tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành nông sản, thực phẩm. 
Trước tình hình trên, ông David Appel, Chủ tịch Carrier Transicold & Refrigeration Systems, cho hay việc ứng dụng khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ có vai trò quan trọng trong việc giúp giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí nông sản, thực phẩm. Riêng đối với những quốc gia tương tự như Việt Nam, để giải quyết những điểm nghẽn trong chuỗi nông sản, thực phẩm, cần ứng dụng công nghệ lạnh - mát vào quy trình từ sản sản xuất đến phân phối và tiêu thụ. Công nghệ này không chỉ giúp bảo toàn lượng nông sản, thực phẩm mà còn góp phần giảm chi phí sản xuất và tác động đến môi trường trong ngành nông sản, thực phẩm. 
Ở góc độ địa phương, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, cho biết tỷ trọng sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực - thực phẩm trong toàn ngành công nghiệp luôn giữ mức tăng trưởng 18,5%, do nhu cầu không có sự biến động lớn. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành chế biến lương thực - thực phẩm có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và ngành công nghiệp thành phố nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu và rộng như hiện nay, những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hóa quốc tế sẽ tác động nhanh, mạnh hơn đến nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước, nên cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung giải quyết tình hình khó khăn trước mắt liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Theo bà Lý Kim Chi, để hỗ trợ hiệu quả và thiết thực cho doanh nghiệp ngành lương thực - thực phẩm phát triển và quản trị chuỗi nông sản, thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ khi có nguồn tài chính đủ mạnh và hoạt động kinh doanh phát triển thì doanh nghiệp mới có nền tảng cơ sở để đẩy mạnh đầu tư đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm sau thu hoạch. Song song đó, các bộ ngành cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục